Thiếu giáo viên, vì sao cứ kéo dài?

17/08/2022 11:55 GMT+7

Mấy ngày qua, dư luận rất bức xúc khi đọc các thông tin về số liệu thiếu nghiêm trọng giáo viên ở các tỉnh thành.

Đặc biệt là thiếu 9.000 giáo viên dạy các môn học mới như tiếng Anh, tin học ở khối lớp 3, một khối lớp bắt đầu cho các em làm quen với các môn học thực nghiệm quan trọng theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Hiện đang thiếu trầm trọng giáo viên các môn tiếng Anh, tin học cấp tiểu học

đ.n.t

Công bằng mà nói, về mặt lý thuyết, chương trình giáo dục phổ thông mới là một nỗ lực quan trọng và có chủ đích của ngành giáo dục nước nhà, để ngay từ bậc tiểu học, học sinh được tiếp cận với các môn học nói trên. Bởi ở lứa tuổi này, xây dựng một nền tảng lý thuyết cộng với thực nghiệm vốn tiếng Anh và máy tính cơ bản sẽ rất thuận lợi, làm tiền đề cho các em dần dần nâng cao trình độ, nhằm có cơ hội hội nhập với tri thức, khoa học kỹ thuật hiện đại, khi tiến dần lên các bậc học cao hơn.

Mục đích và dụng ý đã rõ, song việc xây dựng chương trình chưa được đặt ra một dự liệu quan trọng, đó là đào tạo giáo viên. Điều này, chẳng khác gì một dự án quan trọng cấp quốc gia bị thiếu đi một vế: chương trình và sách giáo khoa đã có, nhưng thiếu lực lượng truyền đạt tri thức cho các em. Trong khi, chương trình này đã được xây dựng nhiều năm trước và đưa vào áp dụng 3 năm qua. Con số tính toán “điểm rơi” để năm học tới này, bắt đầu áp dụng các môn học nói trên đã lộ rõ những bất cập, thiếu chủ động về đào tạo và cân đối lực lượng thầy cô giáo, một việc mà ngành giáo dục hoàn toàn có thể chủ động. Chẳng hạn đưa ra phương hướng cụ thể từ các năm trước như tuyên truyền vận động các trường sư phạm tích cực tuyển dụng; có sự ưu ái nhất định với sinh viên ngành sư phạm khi vào học các ngành này; đối sánh số liệu đào tạo với nhu cầu giảng dạy cho từng niên khóa, có dự báo số lượng học sinh, số lớp cần giáo viên giảng dạy, bắt đầu từ niên khóa 2022-2023…

Trong thực tế đào tạo sinh viên sư phạm trước đây, cũng có một số năm thiếu giáo viên cục bộ, do thiếu cách tư duy dự báo khoa học ở một số tỉnh, dẫn đến phải đào tạo thêm nhiều hệ khác nhau để lấp vào chỗ trống, ví như đào tạo cấp tốc 6 tháng-1 năm (với các học sinh đã tốt nghiệp lớp 12 có thành tích tốt ở các môn sẽ giảng dạy đang bị thiếu, sau đó vừa giảng dạy vừa đào tạo thêm cho đủ chuẩn), hoặc kêu gọi phiên chế tự nguyện sinh viên năm thứ nhất từ ngành đang bão hòa sang ngành sư phạm đang cần, đào tạo liên thông giáo viên bậc tiểu học cho đủ chuẩn cử nhân sư phạm để phù hợp với luật Giáo dục 2020, điều phối giáo viên hiện đang giảng dạy tại các trường đi đào tạo cơ bản các môn học bị thiếu…

Giáo sinh trong một buổi dự giảng

đ.n.t

Tất nhiên, chất lượng đào tạo theo các hình thức như vậy sẽ không thể nào được như phương pháp đào tạo cơ bản, nhưng với các kiến thức nhập môn trong 1-2 năm bậc tiểu học của các em học sinh, thì các phương án đào tạo bổ sung nói trên cũng có thể phần nào giải quyết tình trạng thiếu giáo viên trước mắt. Còn về lâu dài, phương án đào tạo sinh viên sư phạm tổng thể cần phải được xây dựng khoa học, tỉnh thành nào có nhu cầu bao nhiêu giáo viên trong 3, 4 hoặc 5 năm tới và dự báo số lượng học sinh luôn phải dựa trên khả năng dân số của các tỉnh, thành đó trong thời gian tương ứng.

Có như thế, tình trạng vênh tỷ lệ giáo viên (bộ môn thừa, bộ môn thiếu) hoặc thừa thiếu giáo viên cục bộ ở một số tỉnh, hay một số vùng trong tỉnh, mới có thể được giải quyết. Và căn bản nhất, là ngành giáo dục sẽ luôn chủ động trong các đề án phân bổ giáo viên hàng năm, không để xảy ra thực trạng gây lo lắng cho phụ huynh và xã hội như hiện nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.