Thiếu hụt thuốc gây tê nha khoa, bệnh viện khẩn trương tìm thuốc thay thế

17/09/2022 09:50 GMT+7

Trước dự báo Bệnh viện Răng hàm mặt T.Ư Hà Nội hết thuốc tê trong 2 tuần nữa, giám đốc bệnh viện này cho hay đã tìm nguồn thuốc thay thế.

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên sáng nay 17.9, PGS - TS Trần Cao Bính, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt T.Ư Hà Nội (Bệnh viện), cho hay một số hãng cung ứng thuốc tê cho bệnh viện cho biết gần đây nguồn cung khan hiếm. Đây là thuốc tê do các hãng cung ứng qua đấu thầu.

Ngay khi có thông báo về tình trạng khan hiếm thuốc, Bệnh viện đã chủ động xây dựng nguồn thuốc thay thế, vì thuốc tê không phải chỉ có một loại duy nhất, không thuốc tê này thì có thuốc tê khác thay thế, vẫn là đơn vị khám chữa bệnh nên bệnh viện luôn phải đảm bảo quyền lợi của người bệnh là an toàn.

Khoảng 23 dịch vụ tại Bệnh viện Răng Hàm mặt T.Ư Hà Nội cần thuốc tê

CHỤP MÀN HÌNH

Ông Bính cho biết thêm, hiện nay trên thị trường Việt Nam có 2 hãng cung ứng thuốc tê chính cho Bệnh viện Răng Hàm Mặt T.Ư Hà Nội là công ty của Pháp và Canada. Nhu cầu sử dụng của bệnh viện này từ 1.000 - 2.000 ống (cao điểm)/tuần.

Tại thời điểm này, trong kho dược của Bệnh viện còn 500 ống thuốc tê và nhà cung cấp thuốc tê cho bệnh viện sẽ cung cấp thêm 1.000 ống vào đầu tuần sau (không chắc chắn).

Thông tin này được công ty dược cung cấp thông báo cho bệnh viện vào trưa hôm qua 16.9. Lý do, công ty dược đưa ra là giấy phép nhập khẩu thuốc tê đã hết hạn từ tháng 3.2022, chờ thủ tục hoàn thiện từ Cục Quản lý dược.

Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt T.Ư Hà Nội Trần Cao Bính cam kết tìm đủ nguồn cung ứng thuốc tê, đảm bảo an toàn cho các bệnh nhân điều trị tại bệnh viện

Liên châu

PGS Bính cho biết, vừa qua các công ty cung ứng thuốc tê có thông báo tới Bệnh viện về tình trạng khan hiếm thuốc tê nồng độ adrenaline 2%. Bệnh viện đã chủ động, liên hệ với các nhà cung ứng thuốc tê khác cung cấp thuốc tê nồng độ adrenaline 4% tốt hơn và đắt hơn thuốc tê đang dùng và dùng xen kẽ.

Giám đốc Bệnh viện Răng hàm mặt T.Ư Hà Nội giải thích, thuốc gây tê nha khoa là vật tư y tế chuyên dụng, thành phần chính là Lidocaine HCL hoặc Articaine. Bệnh viện hiện chỉ có tình trạng khan hiếm thuốc tế có nồng độ adrenaline 2%.

"Trong thời gian tới, chúng tôi đảm bảo đầy đủ thuốc và vật tư để đảm bảo công tác khám chữa bệnh bình thường và đã có các giải pháp thay thế nếu việc cung ứng thuốc tê nồng độ adrenaline 2% thiếu hụt", ông Bính cam kết.

Trước đó, chiều 16.9, phát biểu tại sự kiện về an toàn người bệnh do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội, một Phó giám đốc Bệnh viện Răng hàm mặt T.Ư Hà Nội cho hay, “2 tuần nữa bệnh viện sẽ cạn thuốc tê. Chúng tôi đang đau đầu tìm loại thuốc phù hợp để thay thế".

Vị phó giám đốc này cũng lo ngại, các cơ sở răng hàm mặt hết thuốc tê thì nguy cơ đóng cửa rất cao vì 2/3 dịch vụ ngoại trú của đơn vị này phải sử dụng thuốc tê.

Với một số loại thuốc tê thiết yếu đã hết, bệnh viện phải thay thế bằng loại khác có tính năng tương tự nhưng "không thể hoàn hảo".

Vì thuốc gây tê được chia làm 2 loại, gồm chứa chất gây co mạch và chống gây co mạch. Loại thuốc chứa chất gây co mạch có khả năng tê sâu hơn nhưng nhược điểm là gây tăng huyết áp. Vì thế, người bệnh tăng huyết áp, tim mạch, nhịp tim nhanh không được dùng loại này.

Theo phó giám đốc này, nguyên nhân khiến Bệnh viện Răng Hàm Mặt T.Ư Hà Nội cạn kiệt thuốc tê là do giấy phép lưu hành thuốc tê của các công ty dược chưa được gia hạn, trong khi chỉ có 2 - 3 đơn vị nhập loại thuốc này về Việt Nam. Việc tìm sản phẩm thay thế cũng gặp khó, do đó, bệnh viện mong Bộ Y tế sớm tháo gỡ các vướng mắc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.