Chiều 13.6, nhân viên tư vấn của Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội (70 Nguyễn Chí Thanh) cho biết khoảng 4 - 5 tuần trước, vắc xin "5 trong 1", “6 trong 1” và vắc xin thủy đậu có được cung cấp trở lại nhưng số lượng hạn chế, nên chỉ ưu tiên cho các trường hợp tiêm nhắc lại.
|
Tuy nhiên, đến thời điểm này cũng đã hết tất cả 3 loại vắc xin này. Các trường hợp tiêm mới được tư vấn tiêm vắc xin đơn liều thay thế. Nhà cung cấp cho biết, khoảng từ giữa tháng 7 sẽ có vắc xin 6 trong 1. Còn vắc xin khác chưa biết khi nào.
Tương tự, đến ngày 13.6, qua tìm hiểu của PV Thanh Niên, cả Trung tâm y tế dự phòng TP, Viện Pasteur TP.HCM, BV Nhi đồng 1, BV Nhi đồng 2, BV Từ Dũ... đều không còn 3 loại vắc xin trên. Mặc dù, để đáp ứng nhu cầu tiêm các loại vắc xin gia tăng, thời gian gần đây, từ cuối tháng 5, BV Nhi đồng 1 bắt đầu triển khai khám, tiêm vắc xin cho trẻ cả buổi sáng chủ nhật, nhưng riêng 3 loại vắc xin dịch vụ trên đều không có. Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP, cho biết vắc xin “5 trong 1”, và sởi đơn trong chương trình tiêm chủng mở rộng (tiêm miễn phí) thì còn, nhưng vắc xin dịch vụ hiện vẫn chưa có hàng.
Ông Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Công ty sản xuất vắc xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech) - một trong những đơn vị nhập khẩu vắc xin và cung cấp dịch vụ tiêm chủng tại Hà Nội, cho hay cả 3 loại vắc xin trên cũng đã hết trong các ngày gần đây. Cũng theo ông Đạt, nhu cầu tiêm các vắc xin nói trên tăng đột biến, gấp khoảng 2 - 3 lần so với các năm trước, sau khi xảy ra các sự cố Quinvaxem, tiêm nhầm vắc xin và dịch sởi bùng phát. Trong khi đó, ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược Việt Nam, cho rằng vắc xin dịch vụ do thị trường điều tiết, nên khu vực cung cấp vắc xin cần có dự trù để nhập khẩu. Nhu cầu tăng đột biến khiến cho việc nhập khẩu không đáp ứng kịp. Thời gian cho mỗi đơn hàng cần khoảng 6 tháng: 3 tháng để nhà sản xuất có thời gian sản xuất lô sản phẩm cung ứng cho đơn hàng, 3 tháng cho thử nghiệm trước khi đến người dùng.
Liên Châu - Thanh Tùng
Bình luận (0)