Thiếu 'lá chắn' bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

14/12/2022 18:08 GMT+7

Hiện nay, trẻ em tiếp cận với không gian mạng rất sớm, tuy nhiên "trận địa" giáo dục thiếu nhi trên không gian mạng lại đang bị bỏ trống.

Đây là ý kiến của các đại biểu tại Diễn đàn “Xây dựng Đội vững mạnh - vì đàn em thân yêu” diễn ra chiều nay 14.12, trong khuôn khổ Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XII.

Diễn đàn “Xây dựng Đội vững mạnh - vì đàn em thân yêu”

Thu Hằng

Bỏ trống "trận địa" trên không gian mạng

Bày tỏ sự lo ngại trước thực trạng trẻ em tiếp xúc với mạng xã hội từ rất sớm, đại biểu Phạm Tiến Thịnh (Đoàn Thanh niên Công an) chia sẻ: “Nhiều trẻ em hơn 1 tuổi đã bắt đầu sử dụng thành thạo smartphone để xem hoạt hình trên YouTube. Hình như chúng ta đang bỏ trống "trận địa" giáo dục thiếu nhi trên không gian mạng. Chúng ta có thể xây dựng các chương trình, hướng dẫn những hành vi việc làm tốt, định hướng cho các em trên nền tảng YouTube. Tổ chức Đoàn - Hội có thể làm được vấn đề này”.

Tâm đắc với ý kiến cần phải quan tâm đến công tác giáo dục thiếu nhi trên không gian mạng, đại biểu Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó bí thư Chi đoàn cơ sở Viễn thông Đồng Nai, bày tỏ: “Hiện nay, chúng ta chưa có “lá chắn” bảo vệ trẻ em. Các bậc phụ huynh vẫn thoải mái cho trẻ xem các clip, video trên TikTok, YouTube… Việc tiếp xúc với smartphone mang lại nhiều điều hay, nhưng với trẻ em nhỏ tuổi thì rất có hại cho sức khỏe”.

Theo chị Nga, từ 3 - 5 tuổi là lứa tuổi “vàng” để hướng dẫn các em đọc sách, lồng ghép câu chuyện lịch sử; từ đó, hình thành được thói quen, hình thành lòng yêu nước tự tôn dân tộc. “Chúng ta có thể tận dụng không gian mạng để xây dựng các bài học về 5 điều Bác Hồ dạy, bài học lịch sử phù hợp với lứa tuổi”, chị Nga kiến nghị.

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Trần Ngọc Nam, Bí thư Tỉnh đoàn Hà Nam cho rằng cần khai thác triệt để không gian mạng, phân vùng lứa tuổi hướng dẫn, định hướng, giáo dục trẻ em trên mạng.

Nhức nhối xâm hại trẻ em

Góp ý về nội dung hoạt động vì đàn em thân yên, đại biểu Nguyễn Hoàng Phương (Đoàn khối các cơ quan T.Ư) cho rằng, phụ nữ và trẻ em là 2 đối tượng yếu thế. Ngoài đuối nước, xâm hại trẻ em đang là vấn đề nhức nhối hiện nay. Nhiều vụ việc gây bức xúc trong xã hội.

“Các bộ, ban, ngành cần có sự liên kết xây dựng chương trình truyền thông trong trường học; bên cạnh đó, tuyên truyền cho người thân, trẻ em phòng, chống xâm hại trẻ em. Rất mong sắp tới, Đoàn có các chương trình cụ thể hóa hơn trong vấn đề bảo vệ trẻ em”, đại biểu Phương kiến nghị.

Để góp phần giải quyết các vấn đề về trẻ em, đại biểu Đoàn Gia Hân, Ủy viên Ban chấp hành Đoàn Trường THPT Nguyễn Du (Đắk Lắk), cho rằng cần phải thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em, bởi hơn ai hết trẻ em mới hiểu mình cần gì, muốn gì.

“Trong thời đại công nghệ số, trẻ em tại các địa phương có thể kết nối liên kết với nhau, bàn bạc cùng nhau trong từng các vấn đề quan tâm, đồng thời đưa ra các nhóm giải pháp, sáng tạo. Hội đồng trẻ em là mô hình rất tốt. Hy vọng trong tương lai sẽ kết nối được mô hình Hội đồng trẻ em tại nhiều địa phương”, đại biểu Hân đề xuất.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Anh Thy chia sẻ về mô hình Hội đồng trẻ em

THu Hằng

Chia sẻ về mô hình Hội đồng trẻ em, đại biểu Huỳnh Ngọc Anh Thy, Bí thư chi đoàn lớp 11, Trường THPT chuyên Bến Tre, nguyên là Chủ tịch Hội đồng trẻ em tỉnh Bến Tre, cho hay vào mỗi kỳ họp HĐNĐ tỉnh Bến Tre sẽ có đại diện trẻ em tham dự và có ý kiến phát biểu.

Đây là mô hình hữu ích thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em được bày tỏ chính kiến. Hội đồng trẻ em Bến Tre thời gian qua đã tổ chức thành công các cuộc đối thoại với lãnh đạo tỉnh về những nguyện vọng, các vấn đề trẻ em quan tâm.

Anh Lê Hải Long, Trưởng ban Công tác thiếu nhi (T.Ư Đoàn), cho biết năm 2023, sẽ có 1 phiên họp quốc hội về trẻ em. Mô hình này sẽ tập hợp các trẻ em tiêu biểu chất vấn đối thoại với lãnh đạo Quốc hội và các bộ trưởng. Chắc chắn phiên họp này sẽ nhận được sự quan tâm của cộng đồng và xã hội.

Mỗi tỉnh, thành nên có 1 nhà thiếu nhi

Nêu lên thực tế hiện nay, hệ thống nhà thiếu nhi tại các địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động và nhân lực, đặc biệt là sau 2 năm dịch bệnh Covid-19, chị Trần Thu Hà, Phó bí thư Thành đoàn TP.HCM, cho biết tại các tỉnh phía Bắc có 31 tỉnh nhưng chỉ mới có khoảng 10 nhà thiếu nhi.

“Việc chăm chút cho các hoạt động nhà thiếu nhi là cần thiết. Các địa phương chưa có nhà thiếu nhi cấp tỉnh cần phải hình thành nhà thiếu nhi. Mỗi địa phương nên dành nguồn lực xây dựng 1 nhà thiếu nhi hoặc 1 cung thiếu nhi”, chị Hà kiến nghị.

Đại biểu Quốc Thị Thanh Thảo, Bí thư Huyện đoàn Bắc Quang (Hà Giang), cho biết trước đây, huyện được quan tâm của T.Ư xây dựng nhà thiếu nhi. Dù được hỗ trợ nhưng không tổ chức hoạt động được do địa phương không có nguồn ngân sách duy trì.

Vì vậy, nhà thiếu nhi chuyển mô hình hoạt động sang cho trung tâm văn hóa huyện quản lý. “Chúng tôi mong muốn, Hội đồng Đội T.Ư tham mưu, đề xuất để các địa phương có cơ sở giữ nhà thiếu nhi trực thuộc hệ Đoàn - Hội", đại biểu Thảo nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.