Thiếu ngủ ảnh hưởng đến khả năng đi lại

07/11/2021 00:08 GMT+7

Thiếu ngủ thường mang lại những tác động tiêu cực như uể oải, đau đầu, phiền muộn và lo lắng.

Nghiên cứu khoa học mới được công bố trên tạp chí Scientific Reports còn khám phá thêm một tác động ít ai ngờ nữa, đó là cản trở khả năng đi lại, trang The Science Times đưa tin.

Nghiên cứu tiến hành trên các sinh viên đại học bị thiếu ngủ kinh niên tại Đại học Sao Paulo ở Brazil. Các sinh viên phải đeo thiết bị theo dõi giấc ngủ trong 14 ngày. Thiết bị này theo dõi và ghi lại thời gian ngủ-thức của họ. Kết quả cho thấy sinh viên ngủ trung bình 6 tiếng/ngày.

Thiếu ngủ mang lại nhiều tác động tiêu cực

SHUTTERSTOCK

Sau đó, các sinh viên tiếp tục thử nghiệm trên máy đi bộ. Họ được yêu cầu bắt kịp tốc độ thay đổi của máy. Hermanno Krebs - giáo sư thần kinh học tại Đại học Y Maryland (Mỹ), cho biết những người bị thiếu ngủ trầm trọng không thể theo kịp khi máy thay đổi tốc độ. Họ đi lệch nhịp và có hiệu suất kém.

Theo giáo sư Krebs, việc đi bộ chịu nhiều tác động từ não. Não phản ứng với các tín hiệu thị giác lẫn thính giác trên đường đi, từ đó điều chỉnh nhịp độ bước chân. Ví dụ, để não hoạt động tối ưu, một người trưởng thành cần ngủ ít nhất 7 tiếng/ngày. Ngược lại, một đứa trẻ đang tuổi đi học lại cần ngủ từ 9 - 12 tiếng. Thiếu ngủ khiến não đình trệ, bước đi cũng bị ảnh hưởng. Số giờ ngủ lý tưởng ban đêm là 8 tiếng, và nếu ta không ngủ đủ 8 tiếng thì cần thường xuyên bù đắp số giờ thiếu hụt.

Các chuyên gia về giấc ngủ khuyến nghị một số cách để cải thiện tình trạng thiếu ngủ, bao gồm: Tắm vòi sen hoặc ngâm bồn nước ấm, đọc sách trước khi ngủ hoặc nghe nhạc nhẹ nhàng. Ngồi thiền và thực hiện một vài động tác vươn vai nhẹ nhàng cũng là gợi ý tốt. Điều quan trọng nhất là duy trì nếp sinh hoạt, ngủ nghỉ đều đặn, kể cả vào cuối tuần và ngày lễ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.