Đường huyết trong máu thường sẽ tăng lên khi chúng ta đang ngủ, thường là trong khoảng thời gian từ 4 đến 8 giờ sáng. Ở người bình thường, tuyến tụy sẽ tiết ra hoóc môn insulin và giúp các tế bào cơ bắp, mỡ, gan và những cơ quan khác hấp thụ đường glucose, theo chuyên trang sức khỏe Verywell Health (Mỹ).
Tuy nhiên, ở người mắc bệnh tiểu đường, cơ thể họ không tiết đủ lượng insulin cần thiết nên không thể đưa đường glucose vào tế bào. Hệ quả là hàm lượng đường glucose trong máu tăng lên, dẫn đến tăng đường huyết.
Ngoài ra, thiếu ngủ sẽ khiến các hoóc môn có tác dụng điều chỉnh sự thèm ăn và trao đổi chất bị mất cân bằng, dẫn đến đường huyết tăng đột biến. Các nghiên cứu cho thấy thiếu ngủ sẽ khiến khả năng tiết insulin của cơ thể kém hiệu quả, tăng nguy cơ gây kháng insulin và khiến bệnh tiểu đường mất kiểm soát.
Cụ thể, các bằng chứng nghiên cứu phát hiện những người ngủ dưới 6 tiếng/đêm dễ có thói quen ăn uống thất thường, ăn vặt nhiều hơn và thích ăn những món không lành mạnh. Thiếu ngủ sẽ làm tăng lượng hoóc môn gây đói ghrelin và giảm hoóc môn tạo cảm giác no leptin. Chính điều này khiến người thiếu ngủ cảm thấy đói nhiều hơn và kích thích thèm ăn các món có nhiều đường và chất béo. Hệ quả là họ sẽ dễ gây tăng cân.
Ngoài ra, đường huyết quá cao hay thấp vào ban đêm cũng sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ và gây mệt mỏi vào hôm sau. Khi lượng đường trong máu cao, thận sẽ tìm cách để đào thải lượng đường này ra ngoài, dẫn đến cảm giác mắc tiểu vào ban đêm. Không những vậy, đường huyết cao cũng gây đau đầu và khát nước nhiều hơn, theo Verywell Health.
Bình luận (0)