Tại khu vực ĐBSCL, giá cá tra nguyên liệu đang ở mức cao; cá thịt trắng loại 1 (dưới 1 kg) trong khoảng từ 34.000 - 35.500 đồng/kg. Tính đến cuối tháng 10, tại một số vùng nuôi giá cá tra nguyên liệu tăng lên mức kỷ lục 35.000 - 36.500đồng/kg, cao hơn so với cùng kỳ từ 10.000 - 12.500 đồng/kg. Mức giá nguyên liệu tăng cao khiến các doanh nghiệp chế biến đứng trước bài toán khó về nguyên liệu và giá cả, chính vì vậy nhiều doanh nghiệp chọn cách hoãn đơn đặt hàng vì đang vào mùa cao điểm tiêu thụ.
Trong 3 quý đầu năm nay xuất khẩu cá tra đạt gần 1,6 tỉ USD, tăng gần 23% so với cùng kỳ năm 2017. Giá trị xuất khẩu cá tra chiếm trên 25% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Tại nhiều thị trường nhập khẩu lớn như Trung Quốc - Hồng Kông, Mỹ, EU, ASEAN đều tăng trưởng khả quan.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thông báo khuyến cáo các địa phương khuyến khích nông dân thả nuôi trở lại để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu khan hiếm trong thời gian tới, ít nhất tới đầu năm 2019.
Dù vậy, người nuôi cá nên thận trọng vì theo Bộ Công thương, sản phẩm cá tra Việt Nam hiện nay không còn “một mình một chợ”. Sản lượng cá tra của Việt Nam năm nay dự báo đạt trên 1,3 triệu tấn; trong khi đó Ấn Độ năm nay đạt khoảng 590.000 tấn. Ấn Độ tiếp tục tăng sản lượng đến năm 2019 có thể tăng lên tới 625.000 tấn và năm 2020 tăng thêm 10.000 tấn. Ngoài ra, các báo cáo khác cũng cho biết sản lượng của Bangladesh và Indonesia khoảng 110.000 tấn/năm. Đáng chú ý, khách hàng lớn nhất của Việt Nam hiện tại là Trung Quốc đã có vùng nuôi với sản lượng khoảng 10.000 tấn ở đảo Hải Nam.
Các chuyên gia ngành cá tra cho rằng ưu thế của Việt Nam là có lịch sử và trình độ sản xuất khá cao, để tiếp tục duy trì ưu thế Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bình luận (0)