Thiếu... nhà hát

08/11/2019 05:54 GMT+7

Tại VN đang tồn tại nghịch lý: thiếu và thừa nhà hát. Nơi nhà hát mọc lên lại bị bỏ không, nơi ca sĩ phải ra... khách sạn, trung tâm hội nghị làm show.

Nhà hát cháy, ca sĩ ra khách sạn làm show

Hơn 1 tháng trước, Cung văn hóa Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội) bị cháy. Bên cạnh những tổn thất về kinh tế, việc một địa điểm thường diễn ra show ca nhạc của Hà Nội bị cháy khiến nhiều bầu show và nghệ sĩ mướt mải tìm nơi biểu diễn thay thế. Ca sĩ Quang Hà đã rất sốc khi Cung văn hóa Hữu nghị Việt - Xô bị cháy chỉ trước khi liveshow Không thể thay thế của anh diễn ra vài giờ. Sau đó, show diễn được dời đến một khách sạn. Liveshow Có những niềm riêng của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng dự kiến diễn ra đầu tháng 10 tại đây cũng phải chuyển vào trong một khách sạn.
Hiện tại, những nơi thường tổ chức các chương trình âm nhạc tại Hà Nội có thể kể đến: Nhà hát Lớn, Nhà hát Âu Cơ, Phòng hòa nhạc của Học viện Âm nhạc quốc gia VN, Trung tâm hội nghị quốc gia VN... Tuy nhiên, theo những chuyên gia âm nhạc, chỉ có hai nơi đạt “chuẩn” về mặt âm thanh là Nhà hát Lớn và Phòng hòa nhạc của Học viện Âm nhạc quốc gia VN. Nhạc sĩ Quốc Trung nhìn nhận việc thiếu nhà hát, hay không gian biểu diễn âm nhạc, nghệ thuật là “hệ quả từ việc từ rất lâu chưa có sự quan tâm đúng mực cho những nơi như vậy”. “Nhiều nhà hát được xây dựng cách đây đã rất lâu, chẳng hạn như Nhà hát Lớn được xây từ thời Pháp thuộc. Điểm hạn chế của nhà hát là sức chứa có hạn”, nhạc sĩ nói.
Hiện nay, tại TP.HCM, các nhà hát thường được thuê mướn để tổ chức liveshow, hoạt động âm nhạc như: Nhà hát TP.HCM, Nhà hát Hòa Bình, Nhà hát Bến Thành, Nhà hát Quân đội. Các nhà hát này hiện đang trở nên quá tải lẫn không phù hợp với điều kiện, yêu cầu về tổ chức biểu diễn ngày càng cao của hoạt động văn hóa giải trí hiện nay.

Trước mắt, để hội nhập với đời sống âm nhạc thế giới thì phải có nơi biểu diễn đạt chuẩn mới mời được những ngôi sao lớn về biểu diễn

Nhạc sĩ Quốc Trung

Theo các nhà sản xuất/tổ chức sự kiện, chỉ có Nhà hát TP.HCM được xem là có vị trí thuận lợi, còn giữ được tính chất đúng nghĩa của nhà hát; dù vậy sân khấu lẫn khán phòng nhỏ và hiện nay hệ thống cách âm cũng xuống cấp. Chưa kể, vì là “bộ mặt” ngoại giao của TP nên lịch diễn nơi đây luôn ưu tiên cho các sự kiện quan trọng. Vì thế, tuy lịch diễn định kỳ đều có kế hoạch (của các đơn vị: Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM, Lune Production...) nhưng nếu có hoạt động ngoại giao đột xuất thì chuyện trả vé hoặc dời lịch... cũng là bình thường.
Gần đây nhất, liveshow This is me của ca sĩ Võ Hạ Trâm dự kiến tổ chức ở Nhà hát TP.HCM, nhưng cuối cùng phải thay đổi địa điểm. Đạo diễn Trần Vi Mỹ cho biết ban đầu ê kíp chọn Nhà hát TP.HCM và đã đặt chỗ nửa năm trước khi live show diễn ra, thiết kế sân khấu cũng chuẩn bị gần như đâu vào đấy. Nhưng đến phút 89 phía nhà hát thông báo không cho thuê nữa vì lý do bất khả kháng. Cả ê kíp loay hoay tìm địa điểm mới và vớ được “phao cứu sinh” từ Trung tâm sự kiện và triển lãm White Palace, đây cũng là nơi ca sĩ Thu Minh chọn làm liveshow.
Thiếu...nhà hát1

Liveshow Võ Hạ Trâm phải dời địa điểm phút chót vì lý do bất khả kháng

Ảnh: BTC

Không có nhiều lựa chọn

Theo đạo diễn Huỳnh Phúc Thanh Nhân, những người làm nghệ thuật hiện tại không có nhiều sự lựa chọn về địa điểm tổ chức. Ứng với mỗi lượng khán giả, chỉ có một lựa chọn về nhà hát. Ví dụ, nếu dưới 500 khách, chỉ có Nhà hát TP.HCM, nhưng địa chỉ này kín lịch quanh năm. Đạo diễn Nhân cho hay: “Bản thân tôi rất nhiều lần thuê nhưng luôn gặp tình trạng kẹt lịch. Dù ca sĩ và toàn bộ ê kíp phải thay đổi lịch 3, 4 lần vẫn không chốt được ngày, rất bị động. Chỉ còn cách thuê trung tâm hội nghị để thực hiện chương trình”.
Đạo diễn Huỳnh Phúc Thanh Nhân cho biết thêm: “Đa số các trung tâm hội nghị, trần chỉ cao 5 m, muốn làm hiệu ứng treo thả, giấu đạo cụ là không thể. Để có được ngày nhà hát trống lịch đã vất vả nên thời gian chuẩn bị càng khó hơn. 99% các chương trình phải thực hiện vào đêm và chạy đua với thời gian. 22 giờ hôm trước vào đồ, đến 10 giờ sáng hôm sau phải hoàn thiện để chạy sân khấu và tối đó diễn”. Chị cũng nhấn mạnh rằng khán giả và ca sĩ khi bước vào nhà hát để xem show, biểu diễn, cảm giác của họ cũng khác so với bước vào một trung tâm hội nghị. “Vậy nên “đi xem hát” có thể là nét văn hóa đang dần mất đi theo tình trạng thiếu nhà hát hiện nay”, đạo diễn Nhân nhìn nhận.
Nhìn xa hơn, nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng việc thiếu nhà hát, không gian biểu diễn tiêu chuẩn ảnh hưởng đến việc phát triển công nghiệp âm nhạc VN cũng như mời những ngôi sao quốc tế đến biểu diễn. “Trước mắt, để hội nhập với đời sống âm nhạc thế giới thì phải có nơi biểu diễn đạt chuẩn mới mời được những ngôi sao lớn về biểu diễn”, nhạc sĩ Quốc Trung nói.
Khởi động lại dự án xây dựng nhà hát tại Hà Nội
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa - Du lịch Hà Nội, cho biết việc đề xuất đưa nhà hát vào những công trình trọng điểm cần xây dựng từ cách đây 15 năm nhưng chưa làm được vì nhiều nguyên nhân. “Sở Văn hóa - Du lịch đã kiến nghị về việc nên có thêm nhà hát và việc xây dựng nhà hát triển khai theo hình thức xã hội hóa”, ông Động nói. Sau thời gian dừng lại, dự án xây dựng Nhà hát Hoa Sen (Q.Cầu Giấy) đã được khởi động trở lại, cùng dự án Nhà hát Opera bên Hồ Tây đang trong quá trình làm thủ tục đầu tư.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.