Ngày 3.6, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TP.HCM tổ chức chương trình "Lãnh đạo thành phố gặp gỡ, lắng nghe thiếu nhi năm 2023", với sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ; Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM Trần Kim Yến; Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan và 150 em đại biểu thiếu nhi tiêu biểu đại diện cho hơn 1,9 triệu trẻ em thành phố.
Đây là những học sinh giỏi tiêu biểu, tài năng trẻ, các thành viên tích cực của các câu lạc bộ, đội nhóm nhà thiếu nhi, các em là con công nhân lao động, con chiến sĩ lực lượng vũ trang, thiếu nhi tại các cơ sở nuôi dưỡng, bảo trợ trẻ em…
Theo chị Trịnh Thị Hiền Trân, Chủ tịch Hội đồng Đội TP.HCM, trẻ em là mầm non tương lai của đất nước, là tài sản vô giá của quốc gia, thành phố. Việc tạo điều kiện tốt nhất để trẻ em được học tập, rèn luyện và phát triển là nhiệm vụ mà gia đình, nhà trường và toàn xã hội luôn chung tay hành động. Chương trình nhằm lắng nghe những tâm tư, mong muốn, kỳ vọng, đề xuất của các em thiếu nhi, học nhắn gửi tới lãnh đạo thành phố để góp phần xây dựng TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Trước khi các em thiếu nhi có ý kiến, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM, gợi mở: "Hôm nay các cháu mạnh dạn nói lên tiếng nói của trẻ thơ và nêu lên chính kiến của chính mình, hãy tự tin bày tỏ cảm xúc và nỗi trăn trở, kỳ vọng của các cháu đối với sự phát triển của thành phố. Qua lăng kính, góc nhìn, sự hiểu biết của bản thân, các cháu mong muốn TP.HCM trong tương lai sẽ như thế nào và các cháu có đề xuất gì để thành phố chúng ta thực sự trở thành đô thị thông minh, thân thiện với trẻ em".
Những đề xuất từ thực tế cuộc sống của các em mong được lãnh đạo giải quyết
Liên quan đến vấn đề an toàn giao thông và môi trường, Võ Ngọc Minh Châu, học sinh lớp 9/5 Trường THCS Qui Đức, H.Chánh (TP.HCM) đề xuất cơ quan chủ quản cần thay đổi ngay những chiếc xe buýt đã cũ không đảm bảo an toàn giao thông và giây ô nhiễm cho môi trường sống của chúng ta.
"Là một học sinh lớp 9, sắp tới khi lên lớp 10, em có nguyện vọng vào học ở một trường tại khu vực trung tâm thành phố. Do vậy, khi ấy mỗi ngày em sẽ sử dụng phương tiện đi lại chính bằng xe buýt. Tuy nhiên, chuyến xe buýt trên cung đường em sẽ di chuyển là xe số 47 hiện tại quá cũ kỹ. Máy lạnh trên xe hầu hết đã bị hư, còn khi xe chạy thì phát thải ra nhiều nhiều khó độc hại, gây ô nhiễm môi trường. Do vậy, em rất mong lãnh đạo thành phố có thể thay đổi các chiếc xe buýt đã cũ hoặc nâng cấp lại những chiếc xe này mới hơn để những học sinh như chúng em có thể đi lại mỗi ngày được thuận tiện và thoải mái", Minh Châu mong muốn.
Tương tự, Nguyễn Võ Ngọc Giàu, học sinh lớp 9/14 Trường THCS Hà Huy Tập, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, cho biết: "Thành phố của chúng ta đã có cải tiến trong việc thay mới những xe buýt cũ nhưng bên cạnh đó vẫn còn những chuyến xe buýt cũ tồn tại, thải lượng khói lớn ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng. Vì vậy, em đề xuất giải pháp sửa chữa, thay mới".
Liên quan đến vấn đề học tập và tâm lý học đường, Trần Nguyễn Kỳ Duyên, học sinh lớp 8A2, Trường THCS Tân Tiến, huyện Củ Chi (TP.HCM), cho rằng hiện nay nhiều học sinh bị trầm cảm do áp lực học đường nhưng em nhận thấy rằng chúng em ít được chia sẻ và tâm sự về vấn đề học tập. Vì thế, em có mong muốn nhà trường thường xuyên tổ chức những buổi tư vấn tâm lý học đường để chúng em có thể bày tỏ những tâm sự cũng như được nói lên nỗi niềm của mình, từ đó nhận được những lời khuyên chính xác".
Trong khi đó, Huỳnh Dương Thục Uyên, học sinh lớp 9/1 Trường THCS Nguyễn Du, Q.Gò Vấp (TP.HCM), nói: "Hiện nay, học sinh được học chương trình học tập mới, tuy nhiên cơ sở vật chất chưa được hoàn thiện để theo kịp với chuyển đổi của ngành giáo dục. Chương trình học tập tuy được đổi mới nhưng còn nặng. Cần có các tiết học kỹ năng về kiểm soát cảm xúc, giao tiếp, thuyết trình sinh động. Nhà trường nên tăng cường tổ chức tổ chức thêm các hoạt động ngoại khóa, tiết học thực hành, ứng dụng bài học vào thực tế. Đầu tư về cơ sở vật chất trường học ngày một hiện đại hơn".
Cảm thông với những bạn bè đồng trang lứa nhưng có hoàn cảnh khó khăn, Nguyễn Ngọc Diễm Quỳnh, học sinh lớp 6/2 Trường THCS Thị Trấn, huyện Củ Chi (TP.HCM), chia sẻ: "Mặc dù việc học tập, giáo dục là một điều rất quan trọng cho mỗi bạn thiếu nhi để các bạn có thêm kiến thức và phát triển trong tương lai. Nhưng ở đâu đó ngoài kia vẫn còn một số bạn nhỏ do gia đình khó khăn nên không có điều kiện tham gia việc học tập. Em mong rằng các cô chú lãnh đạo sẽ xem xét chu cấp cho các bạn thiếu nhi hoàn cảnh khó khăn có điều kiện học tập tốt hơn".
Các sở, ngành cần xem lại và có hướng khắc phục ngay…
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên hoan nghênh, ghi nhận những ý kiến phát biểu, chia sẻ của các thiếu nhi có mặt tại buổi gặp mặt. Ông Nên đánh giá đây là những ý kiến, nguyện vọng, hiến kế chính đáng, hướng về cộng đồng, xã hội để góp sức vào sự phát triển của thành phố. Các ý kiến đã nói lên mong muốn xây dựng thành phố giàu đẹp, văn minh, hiện đại và nghĩa tình hơn.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên khẳng định, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, các ngành, các cấp luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho các em thiếu nhi. Lãnh đạo thành phố tiếp thu và tiếp tục nghiên cứu, để thực hiện trong thời gian tới.
Bí thư Thành ủy cũng nhìn nhận thành phố cần thêm những cơ chế, chính sách đặc thù để có điều kiện chăm lo, phát triển các em nhiều hơn để những cuộc gặp gỡ sau này sẽ bớt đi những khúc mắc đã nói. Ông Nên nói ở đây có đầy đủ các cơ quan, từ HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, Đoàn thanh niên. “Chúng tôi trân trọng lắng nghe bằng trái tim của mình, chứ không chỉ bằng đôi tai không, và sẽ biến đó thành hành động một cách tốt nhất để chăm lo các em”.
Sau khi nghe các ý kiến đề xuất của các em thiếu nhi, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng: "Thời nào cũng thế, thiếu nhi chúng ta đều có 5 nhu cầu cơ bản, đó là: được ăn, được mặc, được học hành, được vui chơi giải trí và được hoạt động xã hội. Nhưng với 50 năm trước so với các bạn hiện nay thì nhu cầu ngày xưa cơ bản. Còn với các em thiếu nhi hiện nay thì, tầm nhìn rộng hơn, dài hơn, đa dạng hơn và đi vào cuộc sống rất đời thường mà các em gặp phải".
Theo ông Hoan, những vấn đề mà các em quan tâm hiến kế cũng rộng hơn, nó liên quan đến vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội. Những ý kiến phát biểu, đề xuất của các em hôm nay rất đa dạng và phong phú. Đây là những lời phát biểu hết sức tâm huyết, có trách nhiệm và có tầm nhìn.
Thay mặt UBND TP.HCM, ông Võ Văn Hoan nói xin tiếp thu tất cả các ý kiến của các em. Ông Hoan khẳng định: "Những nội dung nào mà thành phố làm tốt rồi thì sẽ cố gắng làm tốt hơn. Những nội dung nào mà thành phố làm chưa tốt, được các em chỉ ra những hạn chế thì thành phố sẽ tìm cách giải quyết và khắc phục. Những nội dung mới mà các em đề xuất thì thành phố sẽ nghiên cứu để có những giải pháp căn cơ, cụ thể và phù hợp trong thời gian tới. Tôi đề nghị các sở, ngành những việc cụ thể mà các em nêu ra trong hội trường hôm nay, chẳng hạn như xe buýt mà nó tệ quá không đảm bảo an toàn trong việc đứa đón cho các em, các cháu đi học thì phải cần xem lại và có hướng khắc phục ngay".
Phát biểu tổng kết chương trình, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM, nhận xét: "Các ý kiến của thiếu nhi đề cập trong chương trình hôm nay rất hay, chân thật, tự tin và rất có trách nhiệm. Những nội dung mà các cháu đề cập đều là những vấn đề các cô, chú thấy xác đáng, liên quan đến học tập, văn hóa lịch sử, môi trường, y tế, khoa học công nghệ, phát triển năng khiếu, rèn luyện kỹ năng... Những vấn đề ở hiện tại và có cả những mong muốn cho sự phát triển sau này của thành phố và đất nước, đó là những giải pháp mà các cô, chú có thể nghiên cứu để hiện thực hóa.
Bà lệ khẳng định: "Lãnh đạo TP.HCM sẽ chỉ đạo các ngành, các cấp đưa giải pháp để đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, sân chơi bổ ích, lành mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục, rèn luyện kỹ năng, phát huy tích cực tính sáng tạo, xung kích, tình nguyện của thiếu nhi. Với phương châm "hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em",
Bình luận (0)