Trong một bài báo đánh giá được công bố gần đây trên tạp chí khoa học Nature Reviews Nephrology, các nhà nghiên cứu đã tổng hợp những gì đã biết về hậu quả lâu dài của việc cơ thể thiếu nước mạn tính.
Hầu hết mọi người đều biết nước rất quan trọng để giữ sức khỏe. Tuy nhiên, ít người biết rằng thiếu nước về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan, mô và tế bào.
Các nghiên cứu dịch tễ học hiện nay cho thấy ngay cả khi cơ thể thiếu nước nhẹ nhưng mạn tính cũng dẫn đến sự phát triển của bệnh tim mạch vành, suy tim, tiểu đường, béo phì, suy giảm chức năng thận, tử vong sớm và lão hóa nhanh hơn, theo chuyên trang y tế News Medical.
Cơ thể trở nên thích ứng với tình trạng thiếu nước
Tình trạng giữ nước được xác định bởi trạng thái cân bằng nước. Tình trạng thiếu nước dần dần khiến cơ thể phải tập thích ứng. Sự thích ứng này cũng đi kèm với việc điều chỉnh tim mạch.
Ngày càng nhiều nghiên đã chứng minh cơ thể thiếu nước làm tăng nồng độ hoóc môn chống bài niệu arginine vasopressin (AVP) trong huyết tương nhằm giảm mất nước qua bài tiết. Đồng thời, mức natri cũng tăng đến ngưỡng cao nhất cho phép, lượng nước tiểu giảm và độ thẩm thấu nước tiểu tăng, dẫn đến tăng nguy cơ phát triển các bệnh mạn tính mới khởi phát, lão hóa nhanh và tử vong sớm.
Mất nước và nguy cơ mắc bệnh tim
Mất nước đồng nghĩa với việc tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu. Điều này có thể khiến tim đập nhanh hơn, gây nhịp tim không đều hoặc thậm chí là đánh trống ngực. Ngoài ra, tình trạng mất nước khiến máu đặc hơn và làm co thành mạch máu. Điều này có thể gây ra huyết áp cao và gây căng thẳng cho tim, theo Trung tâm Y tế Baltimore Washington, Đại học Maryland (Mỹ).
Mất nước và nguy cơ mắc bệnh thận
Khi bị thiếu nước mạn tính, AVP và hoóc môn nội tiết angiotensin II (ANGII) cũng kích thích cảm giác khát và thèm muối, giảm tiết mồ hôi. Từ đó có thể ảnh hưởng đến phản ứng điều nhiệt khi thời tiết nắng nóng và gây ra bệnh thận mạn tính, theo News Medical.
Mất nước và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Tiến sĩ Anna Simos, chuyên gia giáo dục và chăm sóc bệnh tiểu đường, Trung tâm Y tế Stanford Health Care (Mỹ), cho biết: Mất nước có mối liên hệ với bệnh tiểu đường. Nghiên cứu được theo dõi 9 năm cho thấy những người uống ít hơn nửa lít nước mỗi ngày có nguy cơ bị tăng lượng đường trong máu cao hơn những người uống hơn 1 lít nước, theo trang tin sức khỏe Everyday Health.
Tiến sĩ Simos cho biết cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu đầy đủ về mối quan hệ giữa tình trạng mất nước và bệnh tiểu đường, nhưng lượng nước nạp vào cơ thể có khả năng "giữ mức đường huyết ổn định hơn một chút".
Các chuyên gia khuyên thực hiện theo 4 bước sau để ngăn ngừa mất nước: Uống nước theo chỉ dẫn của bác sĩ; Ăn thực phẩm có nhiều nước như trái cây và rau quả; Uống vừa phải đồ uống có chứa caffeine như cà phê, trà và nước ngọt; Tránh hoặc hạn chế đồ uống có cồn.
Bình luận (0)