Trong tuần này, đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có buổi giám sát chuyên đề tại Q.12, TP.HCM về việc thực hiện Nghị quyết số 88 năm 2014 và Nghị quyết số 51 năm 2017 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT). Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội là trưởng đoàn.
Đoàn giám sát đã làm việc trực tiếp tại Trường tiểu học Hà Huy Giáp và Trường THCS Trần Quang Khải, Q.12.
Sĩ số quá đông, thiếu phòng học để học 100% 2 buổi/ngày
Ban giám hiệu Trường tiểu học Hà Huy Giáp, Q.12 đã có báo cáo về những mặt đã thực hiện được, triển khai tốt và những khó khăn trong quá trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT.
Có những chuyển biến tích cực như học sinh mạnh dạn trình bày ý kiến, việc học nhóm phát huy hiệu quả. Học sinh nắm được kiến thức cơ bản. Giáo viên làm việc có kế hoạch, biết tổ chức hệ thống công việc để hướng dẫn học sinh tự tìm hiểu, tự khám phá, tránh làm thay, hiểu thay nói thay.
Nhà trường luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của phòng GD-ĐT Q.12, chính quyền địa phương. Đội ngũ giáo viên luôn nhiệt tình, tâm huyết với nghề, có trình độ chuyên môn vững vàng, luôn học hỏi để từng bước hoàn thiện nhiệm vụ được giao.
Song còn những khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, chương trình GDPT 2018 ở cấp tiểu học thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút. Trong khi đó, Trường tiểu học Hà Huy Giáp là trường tiểu học công lập duy nhất ở P.Thạnh Lộc, Q.12 với số học sinh đầu cấp tăng hàng năm. Vì vậy, trường này không thể thực hiện được việc dạy học 2 buổi/ngày cho 100% các lớp.
Trong năm học 2022-2023, Trường tiểu học Hà Huy Giáp có 67 lớp học, sĩ số trung bình là 50,3 học sinh/lớp. Trước tình hình khó khăn về phòng học, được sự chỉ đạo của UBND Q.12, nhà trường sử dụng 14 phòng học tại Trường THCS Tô Ngọc Vân (mới được thành lập năm 2022-2023 và chỉ mới sử dụng một số phòng học cho học sinh lớp 6) để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đối với lớp 5. Những "lớp học động" này hiện là giải pháp tình thế.
Bên cạnh đó, Trường tiểu học Hà Huy Giáp thiếu giáo viên môn tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật, thể dục. Nhà trường không tuyển được do không có hồ sơ giáo viên đăng ký tuyển dụng những vị trí này.
Đối với những lớp thiếu giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm phải dạy các tiết mỹ thuật, âm nhạc, thể dục. Hiện nay, nhà trường đang hợp đồng thêm 2 giáo viên dạy tiếng Anh và 1 giáo viên tin học để đảm bảo chương trình.
Việc giáo viên dạy 2 buổi/ngày để thực hiện chương trình GDPT 2018 nhưng không nhận được khoản hỗ trợ dạy học 2 buổi/ngày so với các khối lớp khác đã ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống giáo viên.
Về cơ sở vật chất, Trường tiểu học Hà Huy Giáp được trang bị khá đầy đủ thiết bị dạy học, tối thiểu đáp ứng chương trình GDPT 2018, nhưng đã được xây dựng trên 20 năm nên cũng đã xuống cấp. Trường không có các phòng chức năng như phòng giáo dục nghệ thuật, nhà thi đấu đa năng. Hiện tại, trường cũng chỉ có 1 phòng tin học nhưng vẫn đang chờ chủ trương cấp thêm máy tính.
Dân số tăng cơ học quá nhanh
Lý giải về những tồn tại, hạn chế, Ban giám hiệu Trường tiểu học Hà Huy Giáp cho biết quy mô phát triển mạng lưới trường, lớp luôn được quan tâm đầu tư xây dựng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu học tập của con em nhân dân do tốc độ dân số tăng cơ học quá nhanh.
Hiện nay, P.Thạnh Lộc (Q.12) chỉ có 1 trường tiểu học và 1 trường THCS nên ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động dạy, học. Sĩ số bình quân học sinh mỗi lớp quá cao, thiếu phòng học, học sinh được học 2 buổi/ngày thấp, ảnh hưởng đến việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và việc thực hiện chương trình GDPT 2018.
Nhà trường có những giải pháp, đề xuất, kiến nghị như tích cực tham mưu các cấp lãnh đạo thúc đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường, lớp, giải quyết tình trạng thiếu phòng học nhằm tăng tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày; đồng thời đề xuất có chính sách hỗ trợ giáo viên dạy học 2 buổi/ngày.
Trong 2 ngày 16 và 17.3, đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội có các buổi giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông diễn ra tại các trường tiểu học, THCS tại Q.12, Q.Gò Vấp, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Trường Quốc tế TP.HCM (TP.Thủ Đức, TP.HCM). Tại các buổi làm việc, đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội lắng nghe những thành tích đạt được cũng như những khó khăn, tồn tại trong quá trình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, bàn luận những giải pháp, phương án tháo gỡ khó khăn.
Sáng nay, 18.3, đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM cũng có buổi làm việc với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Bình luận (0)