Thiếu thuốc giải độc BAT: Bệnh nhân ngộ độc botulinum có thể phải thở máy 3-6 tháng

20/05/2023 21:20 GMT+7

Khi không có thuốc giải độc BAT, bệnh nhân ngộ độc botulium phải thở máy trung bình từ 3-6 tháng và có nhiều rủi ro trong điều trị do các vấn đề nhiễm trùng có thể xảy ra.

Bệnh nhân ngộ độc botulinum sẽ được dùng thuốc BAT để giải độc. Tuy nhiên hiện thuốc này ở Việt Nam đã cạn. 5 lọ thuốc giải BAT cuối cùng đã được Bệnh viện Chợ Rẫy sử dụng 3 lọ cứu các bệnh nhân ngộ độc cá chép muối ủ chua tại Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam và 2 lọ để cứu 3 trẻ ngộ độc botulinum do ăn chả lụa vừa qua.

Theo TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy, việc hết thuốc BAT giải độc đặc hiệu do ngộ độc botulinum đúng là vấn đề rất đáng tiếc cho bệnh nhân và cũng như nan giải cho các bác sĩ điều trị. Một trường hợp ngộ độc botulinum sử dụng thuốc BAT giải độc đặc hiệu sớm thì chỉ trong vòng 48 đến 72 tiếng là bệnh nhân có khả năng thoát ra khỏi tình trạng bị liệt, và cũng không phải đưa tới tình trạng phải thở máy. 

Thiếu thuốc giải độc BAT: Thách thức cho bác sĩ điều trị - Ảnh 1.

Thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) giúp kháng độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum

BVCR

Hoặc nếu bắt đầu thở máy 1-2 ngày, tức rất sớm sau khi ngộ độc botulium mà dùng BAT thì từ 5 đến 7 ngày, bệnh nhân có thể hồi phục và có thể bỏ được máy thở, tập vật lý trị liệu để trở về với cuộc sống bình thường.

"Tuy nhiên trong trường hợp không có thuốc giải độc BAT thì chúng ta phải có điều trị hỗ trợ. Điều trị hỗ trợ chủ yếu là nuôi dưỡng và thở máy, bởi vì chất độc của botulinum làm tổn thương hệ thần kinh dẫn tới liệt cơ. Khi chúng ta liệt cơ thì không thể thở được. Thời gian thở máy có thể kéo dài trung bình từ 3-6 tháng", bác sĩ Hùng phân tích.

Bác sĩ Hùng cho biết thêm: "Bình thường chúng ta có đường thở tự nhiên như cái hàng rào bảo vệ cho phổi, nhưng khi đặt một cái ống trực tiếp vào phổi qua một máy thở thì các vấn đề bảo vệ tự nhiên bị phá vỡ. Từ đó khả năng bị nhiễm trùng thứ phát là rất cao".

Ngày 20.5, thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết đơn vị này cùng Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP.HCM) hội chẩn phát hiện thêm 3 ca nghi ngộ độc botulinum. Cả 3 bệnh nhân trên đều ở TP.Thủ Đức (TP.HCM), trong đó có 2 anh em ruột 18 tuổi và 26 tuổi, người còn lại là nam 45 tuổi. 

Khai thác bệnh sử, trước đó 2 anh em có ăn bánh mì chả lụa, người đàn ông ăn mắm để lâu ngày. Kết quả xét nghiệm từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho thấy bệnh nhân nhiễm độc botulinum nguồn gốc từ thức ăn. Tuy nhiên hiện thuốc giải độc BAT đã cạn kiệt nên phương án điều trị cho 3 bệnh nhân hiện nay chủ yếu là hỗ trợ gồm nuôi dưỡng và thở máy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.