Thiếu trầm trọng lao động đi biển: Năn nỉ để giữ chân bạn chài

25/10/2022 05:35 GMT+7

Do thiếu bạn chài, hàng trăm chủ tàu cá ở Quảng Ngãi , Phú Yên đang tháng ngày chạy vạy, năn nỉ giữ chân lao động để tàu cá ra khơi đúng ngày, đúng tháng.

Tình trạng thiếu lao động đi biển đã diễn ra trong khoảng 5 năm gần đây, nhưng đáng lo hơn là ngày càng thiếu trầm trọng. Nhiều tàu cá đã chuẩn bị đủ "tổn" (dầu, trữ đá và nhu yếu phẩm) nhưng vẫn chưa thể vươn khơi vì không có bạn chài.

Cho mượn tiền... để giữ chân

Hồi đầu năm, ông Vũ Công Nhân, chủ tàu cá ở xã Nghĩa An, TP.Quảng Ngãi (Quảng Ngãi), lo lắng vì tàu đã đủ nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, nhưng phải nằm bờ để chờ bạn chài. Ông Nhân tính mùng 6 tháng giêng mở biển là đẹp nhất, nên chuẩn bị sẵn, ai ngờ các lao động trễ hẹn, đành ngậm ngùi dời ngày khác ra khơi đầu năm. Ấy là chưa kể, trước khi về nghỉ tết, ông Nhân đã đưa cả trăm triệu đồng cho các bạn chài với cái hẹn mùng 6 tháng giêng ra khơi.

Thiếu lao động, tàu cá nằm bờ, kéo theo sản lượng khai thác hải sản giảm

PHẠM ANH

Theo ngư dân Châu Minh Hải ở xã P.Phổ An, TX.Đức Phổ (Quảng Ngãi), nếu khai thác xa bờ từ 15 ngày trở lên, mỗi tàu cá ít nhất phải có 10 - 12 lao động. Nếu không đủ người, thời gian đánh bắt sẽ kéo dài hơn, bạn chài làm việc nhiều hơn, kéo theo chất lượng hải sản kém hơn, giá bán giảm hơn và hiệu quả đánh bắt giảm xuống.

Về vùng biển, nghe chuyện “mượn tiền giữ chân bạn chài” bây giờ xem như “dịch vụ tài chính” không có lãi. Ngư dân Nguyễn Tấn Tư (trú xã Bình Châu, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi), một chủ tàu dày kinh nghiệm vùng biển Hoàng Sa, cho biết có thời điểm ông phải chi vài trăm triệu đồng cho ngư dân về nhà, hứa ngày giờ trở lại đi biển. Ai ngờ, đến ngày giờ xuất bến, vẫn không thấy mấy người đến.

Người đi biển rất tâm linh, nên giờ ngày xuất bến rất quan trọng, nhưng lao động không đủ thì đành “bó tay”. Ông Tư kể có chuyến biển đến ngày xuất bến nhưng đến giờ khởi hành, chỉ có 2 lao động, còn 8 người biệt tăm, gọi thì không ai nghe máy. Trong khi đó giá nhiên liệu đã tăng cao so với các năm, không tranh thủ ra khơi sẽ khó kiếm lời.

Tàu cá nằm bờ ở cảng neo đậu tàu thuyền Tịnh Hòa, TP.Quảng Ngãi

HẢI PHONG

Tiếp xúc với các chủ tàu thì được biết tình trạng “khát” lao động đi biển ngày càng căng thẳng, bởi nhiều lao động trẻ thì “nhảy việc”, bỏ nghề biển lên bờ làm công nhân an toàn hơn khi ra đầu gió ngọn sóng.

Bỏ nghề vì thu nhập ngày càng thấp

Hiện nay, nhiều chủ tàu cá ở Phú Yên cũng chạy đôn chạy đáo để tìm kiếm lao động cho vụ đánh bắt mới. Ngư dân Nguyễn Văn Thịnh, chủ tàu cá PY-99919, cho biết để đảm bảo chuyến biển thì tàu cá của ông phải thuê khoảng 17 lao động, nhưng do không tìm ra lao động nên vụ đánh bắt này chỉ có 15 người. “Việc thiếu lao động gây ra nhiều khó khăn, nhưng thời điểm khan hiếm lao động đi biển như thế này mà duy trì được 15 lao động là “ngon” lắm rồi”, ông Thịnh chia sẻ.

Số lao động mùa vụ trước là vậy, nhưng để có đủ số lao động cho mùa vụ đánh bắt sắp tới là cả vấn đề. Trong số 15 lao động đang làm thuê cho ông Thịnh thì có đến 5 người xin nghỉ để chuyển nghề khác. Ông Thịnh tâm sự: “Tui phải năn nỉ lao động đi biển vậy mà họ vẫn nghỉ để chuyển sang làm nghề khác an toàn hơn. Hết mùa, nếu họ ứng tiền trước tui cũng cho ứng, nhưng khổ nỗi là họ không chịu ứng tiền vì đã tính chuyện nghỉ không đi biển nữa”.

Theo các chủ tàu cá ở Phú Yên, những ngư dân làm nghề biển lâu năm ngày càng khan hiếm, bởi hầu hết đã chuyển sang nghề thợ nề, làm công nhân trong các công ty, xí nghiệp...

Trong khi đó, ngư dân Huỳnh Tấn Anh, chủ tàu cá PY-99669, cho biết nghề biển bây giờ thu nhập khá bấp bênh vì chi phí chuyến biển tăng, trong khi giá cá lại tăng giảm thất thường. “Trước đây, chi phí chuyến biển chỉ từ 100 - 150 triệu đồng, nhưng giờ giá dầu tăng nên chi phí chuyến biển cũng tăng, kéo theo ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động không còn mấy đồng”, ông Anh nói.

Cũng theo ông Anh, chính vì thu nhập ngày càng thấp, không đủ trang trải cho gia đình nên nhiều người nghỉ nghề biển chuyển sang nghề khác như thợ hồ, phụ hồ… Những nghề này hiện nay có mức thu nhập tương đối đều đặn hơn.

Những ngư dân lớn tuổi ở Phú Yên rất lo lắng “vì chưa bao giờ lao động biển khan hiếm như hiện nay”. Ông Phan Thuẫn, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá P.6, TP.Tuy Hòa (Phú Yên), nói: “Hiện nay, chủ tàu cá kiếm lao động để đi biển dài ngày khó khăn lắm. Trước đây, hầu hết những ngư dân sống ven biển chỉ biết gắn bó với nghề biển. Nếu họ không là chủ tàu cá thì họ làm thuê cho chủ tàu. Nhưng bây giờ, nhiều ngư dân bỏ nghề đi làm các nghề khác trên bờ có thu nhập ổn định hơn. Cũng chính vì lao động biển khan hiếm nên nhiều chủ tàu cá bán tàu để chuyển sang nghề khác để khỏi phụ thuộc vào lao động, giá dầu, giá cá…”.

Thiếu lao động đi biển, các chủ tàu Quảng Ngãi muốn tàu vươn khơi, phải tìm lao động ngoài tỉnh. Ông Lê Văn Vương, chủ tàu cá QNg-91979, trú ở xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), cho biết cách đây vài năm, ông phải vào tận các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên tìm bạn chài, chi hơn 350 triệu đồng, để ứng trước cho mỗi thuyền viên. Vậy mà sau đó, một số không đi làm, số khác thì đi vài phiên biển đã nghỉ giữa chừng.

Tìm tiếng nói chung

Ngày 13.10, trả lời Thanh Niên, bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND H.Lý Sơn (Quảng Ngãi), cho biết đặc trưng nhất của Lý Sơn là nghề lặn xa bờ ở các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Có điều, do khan hiếm lao động nên nhiều chủ tàu trên đảo đã chuyển đổi nghề. Theo bà Hương, hiện có tình trạng chủ tàu cho ngư dân mượn tiền rồi “nhảy việc”. Nhiều lao động làm cho chủ tàu gặp khó. Vì vậy, chủ tàu và ngư dân nên tìm tiếng nói chung trong việc “ăn chia” hợp lý sau mỗi phiên biển.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi), cho biết để giải quyết tình trạng thiếu lao động đi biển, các chủ tàu trong xã đã phải chạy vạy trong và ngoài tỉnh để tìm người. Tình trạng thiếu hụt lao động đi biển xảy ra thường xuyên, ngay cả sau mỗi phiên biển. Theo ông Hùng, việc chủ tàu cho ứng tiền lao động chỉ là giải pháp tình thế, còn thực trạng lao động trẻ đi biển ngày càng hiếm nên về lâu dài, cần phải đào tạo nguồn lực đi biển bài bản.

Theo ông Nguyễn Văn Mười, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi, tình trạng thiếu hụt lao động đi biển xảy ra từ khoảng 4 - 5 năm trở lại đây. Nguyên nhân, theo ông Mười, là do lao động nghề biển có bộ phận đã lớn tuổi nên lên bờ. Số thanh niên vùng biển thì xin làm công nhân ở các khu công nghiệp, thu nhập thấp hơn đi biển nhưng ổn định, không nguy hiểm tính mạng.

Ông Mười cho biết hiện chưa có thống kê cụ thể lao động trên biển bỏ nghề là bao nhiêu. Còn giải pháp giữ chân bạn chài thì có một số vùng biển làm rất hay. Cụ thể như ở vùng biển Mỹ Á (thuộc 2 xã Phổ Quang và Phổ Châu, TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi), chủ tàu ngoài trả lương cứng cho lao động mỗi tháng, còn cho họ “cổ đông” vào tàu, sau mỗi phiên biển chia tiền sòng phẳng. Khi có quyền lợi trên tàu, ngư dân tự lo cho tàu, sẵn sàng ra khơi khi thuyền trưởng điều động. (còn tiếp)

Hậu cần nghề cá cũng lao đao

Không chỉ ngư dân thua lỗ, sản lượng đánh bắt bị ảnh hưởng mà các hoạt động khác như: chế biến hải sản, dịch vụ hậu cần… cũng lao đao. Ở làng nghề chế biến nước mắm xã Đức Lợi, H.Mộ Đức (Quảng Ngãi), năm nay có nhiều cơ sở tạm ngưng hoặc hoạt động cầm chừng vì thiếu nguyên liệu.

Theo bà Nguyễn Thị Lệ Phương, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Phương Loan ở thôn Kỳ Tân, xã Đức Lợi, do rất ít tàu vươn khơi nên cơ sở sản xuất thiếu nguồn nguyên liệu. Cơ sở này thu mua chỉ được 50% cá cơm so với nhu cầu nên sản lượng nước mắm sẽ giảm nhiều so với những năm trước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.