Thiếu trầm trọng nhân lực du lịch, nên chăng miễn học phí để thu hút tuyển sinh?

26/04/2022 14:20 GMT+7

Trong lúc du lịch đang được phục hồi và có tốc độ tăng trưởng "nóng" khiến nhân lực thiếu trầm trọng, có ý kiến cho rằng nên chăng miễn học phí cho thí sinh chọn học khối ngành du lịch trong giai đoạn này?

Sáng 26.4, Hội nghị "Tuyển sinh - Đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng năm 2022" do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - Bộ LĐ-TB-XH tổ chức, đã đặt ra nhiều vấn đề về "nóng" về thị trường lao động, nhu cầu nhân lực khối ngành du lịch thời điểm hiện tại.

Doanh nghiệp cạnh tranh khốc liệt về nhân sự

Có mặt tại hội nghị, bà Thái Phương Hòa, Phó Chủ tịch tập đoàn kiêm Tổng giám đốc Vùng miền nam - tập đoàn Sun Group, cho biết trong thời gian tới, do tập đoàn này mở rộng phát triển tại nhiều tỉnh thành khu vực phía nam ở lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng, nên từ nay đến năm 2025 có nhu cầu tuyển tới 15.000 nhân lực các trình độ.

Các doanh nghiệp du lịch đang thiếu nhân sự trầm trọng, trong đó phải kể đến vị trí hướng dẫn viên

MỸ QUYÊN

Được biết riêng trong năm 2022, Sun Group cần tuyển khoảng 1.500 nhân sự cho vùng miền nam. Như vậy, trong vòng 3 năm nữa, nhu cầu tuyển dụng của tập đoàn này tăng gấp 10 lần mới có thể đáp ứng cho chiến lược phát triển tại các tỉnh phía nam.

Trong khi đó, ông Đặng Hồng Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Kiên Giang, cho biết du lịch tại tỉnh nhà đang có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ sau dịch Covid-19, khiến nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong khối ngành này đang rất cấp bách.

"Tuy nhiên, thực tế chỉ đáp ứng được 50%. Lý do là vì tốc độ tăng trưởng của du lịch trong thời điểm này quá nhanh, quá nóng nên về số lượng trong khi đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu", ông Sơn nhìn nhận.

Theo số liệu mà đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đưa ra, trong gần 3 năm qua, do ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề từ dịch Covid-19, có đến 90% doanh nghiệp du lịch, nhà hàng, khách sạn phải đóng cửa. Kéo theo đó là 80% người lao động lĩnh vực này phải nghỉ việc hoặc chuyển đổi nghề nghiệp. Chính vì thế, khi du lịch hoàn toàn mở cửa, các doanh nghiệp không có đủ nhân sự để hoạt động.

Trái ngược với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của ngành du lịch là sự thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng. Các doanh nghiệp du lịch từ lữ hành đến lưu trú, khu vui chơi giải trí, nhà hàng... đều thiếu nguồn nhân sự từ cấp nhân viên đến cấp quản lý như hướng dẫn viên, điều hành tour, nhân viên buồng, bàn, bar, bếp, nhân viên sales/marketing, trưởng các bộ phận"

Thạc sĩ Ngô Thị Quỳnh Xuân, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn

"Thời gian qua, đa số doanh nghiệp lớn vẫn giữ nguồn lực bằng cách không cho nhân viên nghỉ việc và trả 70% lương. Khi thị trường mở cửa trở lại, chúng tôi phải đối mặt với sự cạnh tranh nhân lực khốc liệt. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng trả mức lương tháng cao hơn chỉ từ 500.000 đến một triệu đồng, để thu hút người lao động mà chúng tôi giữ lại thời gian qua", bà Lưu Ly, Giám đốc nhân sự - đào tạo của Vinpearl tại Kiên Giang, chia sẻ.

Nên có chính sách miễn giảm học phí để thu hút người học?

Thực tế công tác tuyển sinh của các trường CĐ, trung cấp có đào tạo khối ngành du lịch trong 2 năm qua vô cùng khó khăn. Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, nguyên nhân là vì dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp du lịch đóng cửa, đã tác động nặng đến nhận thức và quyết định lựa chọn nghề nghiệp của học sinh.

"Kết quả khảo sát sơ bộ của Bộ Văn hóa - Thể thao và du lịch về số lượng tuyển sinh đối với 15 cơ sở giáo dục nghề nghiệp du lịch được thực hiện vào tháng 9.2021 cho thấy năm 2021 số lượng tuyển sinh bị sụt giảm 32% so với 5 năm trước, có trường còn giảm tới 50%. Nhiều trường có thương hiệu cũng chỉ tuyển được 50% so với chỉ tiêu đặt ra", ông Tuấn chia sẻ.

Du lịch phục hồi và phát triển, người học không lo thất nghiệp

v.p

Thạc sĩ Ngô Thị Quỳnh Xuân kể lại, trong thời gian tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, hầu hết các câu hỏi mà phụ huynh và học sinh băn khoăn đều là vấn đề việc làm sau khi học, liệu học xong có bị thất nghiệp hay không... Chính vì vậy, bà Xuân cho rằng lấy lại niềm tin của người học về ngành du lịch trong thời điểm này là hết sức cần thiết để thu hút tuyển sinh.

"Chúng tôi mong doanh nghiệp hỗ trợ, gắn kết với các trường trong công tác tuyển sinh, truyền thông để thí sinh thấy được nhu cầu tuyển dụng thực tế từ doanh nghiệp, từ đó thay đổi nhận thức và tâm lý, giúp người học có được niềm tin vào tương lai khi lựa chọn ngành nghề này", thạc sĩ Phan Thị Lệ Thu, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông, nêu quan điểm.

Đại diện nhiều trường còn đề xuất doanh nghiệp nên tăng cường đặt hàng đào tạo các trường và hỗ trợ học phí cho người học để có được nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, du lịch là ngành mũi nhọn nên nhà nước cũng nên có chính sách dành cho học sinh, sinh viên học khối ngành này, nhất là trong giai đoạn du lịch đang phát triển "nóng" sau dịch Covid-19.

Đồng tình với các đề xuất trên, tiến sĩ Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, nêu quan điểm: "Nhu cầu nhân lực để phát triển du lịch đang rất cấp bách, cần có các giải pháp tổng lực. Để thu hút người học, nên chăng chúng ta có chính sách miễn học phí cho tất cả học sinh, sinh viên chọn học khối ngành du lịch trong giai đoạn này. Phải có sự đột phá mới có thể thu hút tuyển sinh. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh truyền thông để củng cố niềm tin cho phụ huynh, học sinh, giúp người học nhận thức được đây là lĩnh vực đang phục hồi và phát triển mạnh mẽ, theo học chắc chắn sẽ có việc làm".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.