Nhiều trường hợp tử vong do ăn thịt cóc
Hôm 2.10 vừa qua, nam thanh niên 24 tuổi, ở Quảng Bình, được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu ba Đồng Hới với biểu hiện khó thở, mạch chậm, đau bụng. Y bác sĩ tích cực cấp cứu, truyền dịch, rửa dạ dày, đặt máy tạo nhịp..., nhưng tình trạng ngộ độc quá nặng, người bệnh đã tử vong trong đêm. Bác sĩ xác định nguyên nhân qua đời do ngộ độc thịt cóc.
Trước đó, tháng 4.2023, Trung tâm Y tế huyện Chư Sê (Gia Lai) cho biết đã tiếp nhận 3 nạn nhân ngộ độc sau khi ăn thịt cóc. Trong đó có một bé 2 tuổi nhập viện trong tình trạng không đo được huyết áp, không bắt được mạch, đồng tử giãn tối đa, da tím tái toàn thân. Trung tâm đã thực hiện 30 phút hồi sức tích cực, tuy nhiên bé đã không qua khỏi. Trung tâm Y tế huyện Chư Sê xác định bé tử vong do ngộ độc thịt cóc.
Hay vào tháng 1 năm 2021, chị T.P. (ở thôn Hòn Gầm, xã Ba Cụm Nam, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa), cũng tử vong sau ăn thịt cóc (có lẫn trứng cóc). Sau ăn khoảng 20 phút, chị P. xuất hiện các triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, nôn ra thức ăn, đi cầu phân lỏng.
Bệnh nhân đến khám tại Trạm Y tế xã Ba Cụm Nam và sau đó được chuyển lên Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn, khi chuyển đi nửa đường thì chị tử vong. Kết quả kiểm tra về 2 mẫu thịt cóc (1 mẫu có lẫn trứng cóc và 1 mẫu chất nôn) dương tính với độc tố cóc: Bufalin, Cinobufalin, Resibufogenin.
Ăn thịt cóc sao bị ngộ độc?
Ngày 10.10, tiến sĩ dược sĩ Nguyễn Thành Triết, Phó trưởng Bộ môn Dược học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, loài cóc phổ biến ở Việt Nam có tên khoa học là Bufo melanostictus. Đối với cóc có thể sử dụng nhiều bộ phận, tùy thuộc vào mục đích sử dụng như thịt cóc (bỏ đầu, hai tuyến nhựa mủ, 4 bàn chân, da và toàn bộ trứng, ruột, gan), mật cóc, nhựa mủ cóc để khô se lại (gọi là vị thuốc Thiềm tô). Các bộ phận của cóc có thể gây độc bao gồm da, trứng cóc, nhựa mủ cóc từ tuyến sau tai và tuyến trên da cóc.
Về thành phần hóa học, thịt cóc chứa protid, lipid, mangan giúp trẻ em chóng lớn, kẽm có tác dụng kháng viêm. Thịt cóc giúp trẻ ăn ngon chóng lớn, ngủ tốt, tăng cân và khỏe mạnh (2-3 g thịt cóc/ngày).
Độc tố của cóc (nhựa cóc) chứa các glycosid tim nhóm bufadienolid và các alkaloid như bufalin, bufotoxin, các hợp chất sterol cholesterol, campesterol,... Các chất độc tập trung chủ yếu ở da, trứng và hai bên mang tai, có thể gây nôn ói, tiêu chảy..., nặng hơn có thể gây ngừng tim và tử vong.
"Vấn đề quan trọng nhất là cần đảm bảo độc chất của cóc không bị dây vào thịt cóc. Do đó trong quá trình chế biến, cần chắc rằng đã loại bỏ hoàn toàn cơ quan chứa chất độc của cóc mà không hề bị lây lan sang phần thịt cóc, tuyệt đối không để da cóc, nội tạng, trứng và nhựa cóc lẫn vào thịt", tiến sĩ Triết lưu ý.
Triệu chứng ngộ độc thường xuất hiện từ 30 phút - 2 giờ sau khi ăn cóc. Người bệnh thường gặp các rối loạn tiêu hóa như đau bụng, buồn nôn, nôn mửa. Rối loạn tim mạch như lúc đầu huyết áp cao, nhịp tim nhanh, có thể do bufotonin. Sau đó, cơn nhịp nhanh thất, rung thất, trụy mạch. Dấu hiệu thần kinh và tâm thần bufotenin có thể gây ảo giác, ảo tưởng, rối loạn nhân cách. Với liều cao hơn có thể ức chế trung tâm hô hấp gây ngưng thở. Gây tổn thương thận, vô niệu, viêm ống thận cấp.
Ngoài ra, tuyệt đối không được vớt trứng cóc ở các ao, hồ, sông ngòi về ăn. Nếu phát hiện có dấu hiệu ngộ độc cần gây nôn chủ động và đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Bình luận (0)