Theo khảo sát, điểm đến của các loại phụ phế phẩm, thải loại không chỉ là các bếp ăn tập thể mà cả hàng quán và siêu thị ở trung tâm thành phố.
Sản phẩm thải loại khắp nơi
Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan cho biết, lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, giá trị nhập khẩu của thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 407,5 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2022.
Gà không đầu, bọng gà, gà dai… là những cách gọi khác nhau ở một số siêu thị về sản phẩm gà thải loại nhập khẩu. Nguyên một con gà có trọng lượng trung bình 1,5 kg nhưng giá chưa tới 60.000 đồng; các bộ phận riêng lẻ như: ức, đùi, cánh, chân, mề, trứng non, tim, gan… còn có giá thấp hơn rất nhiều, chỉ 30.000 - 40.000 đồng/kg tùy loại là sức hút lớn với nhiều bà nội trợ trong bối cảnh kinh tế hiện nay.
Để đẩy mạnh sức tiêu thụ, các siêu thị còn chế biến thành các sản phẩm ăn liền như gà quay, gà hấp hành với giá khoảng 75.000 - 80.000 đồng/con; một cái má đùi chỉ trung bình 22.000 - 25.000 đồng… Chị Trần Thu Huệ (ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết: "Mỗi lần đi siêu thị, ngang khu vực đồ ăn chế biến sẵn nghe mùi sản phẩm chiên nướng vô cùng hấp dẫn mà giá thì siêu rẻ. Vì tò mò, một vài lần tôi đã dùng thử các sản phẩm loại này thì xin lỗi phải nói thật là nó không thể tả, thứ còn đọng lại toàn là gia vị".
Tại các chợ truyền thống, những sản phẩm này còn có giá rẻ hơn khá nhiều, chỉ 40.000 đồng/con gà bọng; khoanh giò heo, cánh gà, chân gà… từ 40.000 - 45.000 đồng/kg. Bên cạnh những sản phẩm tươi thì các mặt hàng đã qua chế biến là khô gà lá chanh, khô heo, thịt chà bông, chả… với giá phổ biến chỉ từ 85.000 - 110.000 đồng/kg.
Nhiều tiểu thương cho biết khách hàng quen thuộc là những quán ăn bình dân, xôi, bánh mì. Đặc biệt, những phụ phẩm dạng thịt của quá trình giết mổ như: lòng gà, da gà, da heo, trứng non, gót gà, lòng heo, lòng bò, tim, gan, lưỡi, xương gà, xương heo các loại… cũng được nhập về VN với số lượng lớn.
Các loại sản phẩm trên được bán vào các quán ăn, quán nhậu bình dân và biến thành vô số món ăn hấp dẫn. Khảo sát tại một con hẻm trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.10, TP.HCM) cho thấy vào mỗi buổi chiều, có hàng chục người xếp hàng chờ mua chân gà nướng. Ước tính, mỗi ngày cơ sở này tiêu thụ cả trăm ký chân gà. Mỗi cặp chân gà thành phẩm có giá phổ biến là 10.000 đồng nên ai cũng có thể ăn vài ba cặp. Hầu hết mọi người vẫn vô tư thưởng thức mà không ai quan tâm đến nguồn gốc, chất lượng thật bởi khi cho vào miệng thì tất cả các sản phẩm này đều đã được bao phủ bởi nhiều lớp gia vị thơm ngon, đậm đà.
Vì sao dân buôn bỏ chính phẩm chuyển sang phụ phẩm?
Nếu thịt nóng giá phổ biến từ 135.000 - 150.000 đồng/kg thì hàng đông lạnh nhập khẩu chỉ 75.000 - 80.000 đồng/kg. Với mức giá quá cạnh tranh, hiện nay, các sản phẩm này rất phổ biến trên thị trường và tràn lan từ siêu thị đến chợ truyền thống và chợ online.
Trong vai một người có nhu cầu mua các loại thịt giá rẻ để mở quán ăn bình dân, chúng tôi liên hệ với anh T.V.K, một đầu mối chuyên nhập khẩu thịt đông lạnh có tiếng ở TP.HCM, thì được cho biết: Cần mua sản phẩm nào cũng có, rất nhiều mặt hàng từ nhiều nước khác nhau. Hàng châu Âu chủ yếu là Đức, Bỉ, Hà Lan, sản phẩm của Mỹ, Brazil, Úc cũng nhiều.
"Các mặt hàng thịt giờ không ngon ăn vì cạnh tranh dữ lắm, ra hàng chậm. Mấy năm nay, kinh tế khó khăn hơn nên tôi chủ yếu nhập các loại phụ phẩm như xương heo, da gà, da heo, chân gà, chân heo, mỡ, lòng… vậy mà lời hơn. Bình quân những sản phẩm loại này nhập khẩu về tới VN tính hết các loại thuế, phí giá thành chỉ khoảng 1 USD/kg. Tôi chỉ bán sỉ chứ không bán lẻ. Hàng về tới cảng mình mở kho giao luôn cho khách không phải tốn thêm chi phí mặt bằng, kho bãi, nhân công", anh K. nói và tư vấn: "Nếu mở quán ăn, nhậu bình dân thì nên đánh mạnh vào mấy món từ chân gà, cánh gà, lòng heo, lòng bò, chân giò, xí quách. Cụ thể như chân gà loại lớn 20 - 22 cặp/kg nhập về VN giá chỉ khoảng 20.000 đồng/kg. Hiện nay công ty này bán cho các hàng quán giá 40.000 - 50.000 đồng/kg tùy khách và số lượng".
"Các hàng quán mua về chế biến đủ kiểu bán giá bình dân 10.000 đồng/cặp. Tính ra một ký chân gà các quán bán ra thu về tới 220.000 - 240.000 đồng/kg, trừ hết chi phí cũng lời ít nhất 150.000 đồng/kg. Các loại phụ phẩm khác như mề gà, lòng gà, trứng non có thể cháy tỏi, xào mướp… là những món đơn giản mà khách rất thích; tương tự các món lòng heo, lòng bò cũng thế. Anh có thể khìa nước dừa, làm phá lấu, nấu cháo, nấu lẩu. Còn mấy thứ như da heo thì người ta chủ yếu làm bì để bán cơm tấm và da heo phồng giòn là thứ rất phổ biến trong các món ăn của người Hoa", anh K. tư vấn.
Cần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng
Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm VN (VIPA), năm 2022, lượng gà sống nhập khẩu vào VN dùng để giết mổ là 6.603 tấn thịt, tăng 100,8% và lượng thịt gia cầm đã qua giết mổ nhập khẩu về VN là 24.662,1 tấn, tăng 9,6% so với năm 2021. Trong số này nhập khẩu từ Mỹ 41,5%, Brazil 22%, Hàn Quốc 18%, Ba Lan 11,6%…
Đã đến lúc có các biện pháp phi thuế quan để bảo vệ sản xuất trong nước, tránh tình trạng nhập siêu các sản phẩm gia cầm như thời gian qua. Đề nghị các bộ, ngành sớm xây dựng các hàng rào kỹ thuật một cách hợp lý và phù hợp thông lệ quốc tế.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm VN
Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm VN (VIPA) Nguyễn Thanh Sơn nhận định trong 5 năm gần đây, sản lượng thịt gia cầm nhập khẩu hằng năm tăng liên tục (trên 15%/năm), chiếm từ 20 - 25% tổng sản lượng thịt gà tiêu thụ trong nước. Bên cạnh các sản phẩm thịt gà nhập khẩu chính ngạch, một khối lượng lớn gà sống thải loại ước khoảng 200.000 - 250.000 tấn/năm được nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới. Chưa kể đến việc đang có rất nhiều sản phẩm dùng làm thức ăn cho chăn nuôi như chân, đầu, cổ, cánh, lòng mề gia súc, gia cầm, thậm chí sản phẩm chăn nuôi có sử dụng chất cấm… nhưng vẫn được tuồn vào thị trường VN làm thực phẩm cho con người. Nếu không kiểm soát tình trạng này thì sản xuất trong nước sẽ vô cùng bất ổn.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai - thủ phủ chăn nuôi của cả nước, bức xúc: Bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước chỉ là một phần nhỏ của vấn đề trong bức tranh tổng thể. Thử hỏi, những sản phẩm thải loại kém chất lượng đó khi đi vào cơ thể người dân chúng ta thì nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe người tiêu dùng trong nước. Và rồi từ người dân đến nhà nước, chúng ta sẽ tốn bao nhiêu chi phí trong việc chữa trị bệnh tật có nguyên nhân từ nguồn thức ăn kém chất lượng đó. Đã đến lúc cần có những hàng rào tiêu chuẩn, kỹ thuật đối với các loại thịt và sản phẩm dạng thịt nhập khẩu.
Bình luận (0)