4 tháng sống “màn trời chiếu đất”
Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại TP.HCM khiến 4 người thợ hồ là ông Nguyễn Khắc Bính (57 tuổi), ông Lê Duy Kỳ (47 tuổi), ông Trần Đăng Gấm (50 tuổi), và con trai 18 tuổi của ông Gấm phải ăn mì gói cầm cự suốt nửa tháng khi công trình tạm dừng hoạt động, không có xe để về quê.
Cả 4 người đều từ quê Thanh Hóa khăn gói vào nhận công trình tại Q.Gò Vấp (TP.HCM) từ tháng 5.2021. Ông Bính là người lớn tuổi nhất cũng là người anh cả trong nhóm, đã vào Sài Gòn làm thợ hồ được 10 năm. Những người còn lại theo chân ông Bính vào đây với hy vọng đồng lương khá hơn để gửi về nhà cho vợ con.
Bữa ăn tạm bợ của những người thợ hồ |
“Ở quê lương có khi bị nợ cả năm mới thanh toán một lần, có khi bị quỵt thì coi như mất trắng luôn. Đi Sài Gòn dù xa xôi nhưng ngày công cao hơn, lại được thanh toán theo tuần, không lo bị lừa”, ông Kỳ tâm sự.
Để tiết kiệm chi phí, 4 thợ hồ không thuê phòng trọ mà ở lại công trường dựng tạm lán để sống qua ngày. Gọi là lán nhưng chỉ có vài tấm ván, tấm bạt để che mưa che nắng. Không gian nhỏ hẹp và thấp khiến lán nóng hầm hập khi thời tiết nắng nóng, khi mưa lớn thì tốc mái, nhiều đêm cả 4 người phải thức trắng canh gió lớn để buộc lại dây.
Ông Kỳ và ông Gấm dựng tấm chắn khi trời chuyển mưa |
Cắn răng chịu đựng vì nghĩ “dăm ba bữa thì hết dịch”, tuy nhiên dịch bệnh Covid-19 kéo dài, Chỉ thị 16 nối tiếp nhau khiến cuộc sống tại lán đã vất vả nay còn khó khăn hơn. Công trình ẩm ướt, ăn ngủ sinh hoạt tại công trình khiến nhiều vấn đề phát sinh như ô nhiễm nước thải sinh hoạt, muỗi sản sinh từ những vũng nước mưa động phía trong công trình.
4 người phải ngồi trong màn kể cả vào ban ngày để tránh muỗi đốt |
Cộng đồng chung tay
Đất khách quê người, cả 4 người thợ hồ nương tựa lẫn nhau qua ngày, giấu đi khó khăn vì không muốn gia đình lo lắng. Trong suốt nửa tháng đầu tiên khi TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16, chủ thầu là ông Vinh (đồng hương Thanh Hóa với 4 thợ hồ - PV) giúp mì gói, ấm siêu tốc và quạt. Số tiền tiết kiệm đã cạn kiệt, 4 người bấm bụng ăn mì gói 3 bữa mỗi ngày.
Ai cũng mang nặng tâm sự vì sợ gia đình ở quê phải lo lắng |
Sau khi bài viết về 4 người thợ hồ trụ lại giữa Sài Gòn được đăng tải trên báo Thanh Niên, công ty xi măng INSEE đã kịp thời hỗ trợ 500.000 đồng cho mỗi người. Thông qua Báo Thanh Niên, Công ty xi măng INSEE dành 300 suất tiền mặt, với tổng số tiền 150 triệu đồng, để san sẻ phần nào với những người thợ hồ đang rất khó khăn khi vừa không thể làm việc do công trình dừng hoạt động, vừa không thể về quê. Bên cạnh đó, INSEE cũng trao 100 suất quà thông qua các đại lý tại TP.HCM.
Những người thợ hồ nhận hỗ trợ từ phía Công ty xi măng INSEE |
Nhận được phần quà trên tay, 4 người thợ hồ không khỏi xúc động vì ít nhiều có thể giúp họ vượt qua được khoảng thời gian khó khăn trong lúc đợi đến ngày trở về với gia đình.
Bình luận (0)