Thở khò khè, khi nào cần đi bác sĩ khám?

29/08/2023 00:06 GMT+7

Thở khò khè xảy ra khi có thứ gì đó gây tắc nghẽn một phần trong đường hô hấp. Âm thanh khò khè sẽ khác nhau tùy thuộc vị trí bị tắc nghẽn. Trong một số trường hợp, thở khò khè là dấu hiệu bệnh nặng và cần phải đến bác sĩ càng sớm càng tốt.

Tiếng thở khò khè sẽ hơi khàn nếu vị trí tắc nghẽn trong đường hô hấp nằm ở phần ngực trên hay cổ họng. Âm thanh khò khè sẽ bớt khàn hơn nếu vị trí tắc nghẽn nằm sâu trong phế quản, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).

Thở khò khè: khi nào cần đi khám bác sĩ ? - Ảnh 1.

Thở khò khè kèm theo cảm giác ngưng thở đột ngột thì cần đến bệnh viện ngay vì đường hô hấp có thể đang bị tắc nghẽn

SHUTTERSTOCK

Có nhiều nguyên nhân gây thở khò khè như viêm nhiễm đường hô hấp, tích tụ chất nhầy do cảm cúm, dị ứng do côn trùng đốt hoặc do hút thuốc lá. Ngoài ra, những người mắc một số bệnh đường tiêu hóa như trào ngược a xít cũng có thể thở khò khè.

Triệu chứng thở khò khè cũng xuất hiện ở bệnh nhân bị hen suyễn nặng. Phần lớn các trường hợp thở khò khè có thể được điều trị tại nhà. Nhưng trong một số ít trường hợp, người bệnh cần phải đến bác sĩ điều trị.

Nguyên nhân phổ biến nhất gây thở khò khè là do cảm cúm hoặc viêm đường hô hấp trên. Triệu chứng này sẽ hết khi tình trạng viêm nhiễm được cải thiện.

Nếu đột nhiên thở khò khè mà không phải do dị ứng hay hen suyễn thì cần sớm đến bác sĩ khám ngay. Bác sĩ sẽ kiểm tra phổi, đặc biệt nếu triệu chứng khò khè đã kéo dài nhiều ngày.

Trường hợp thở khò khè nặng và xuất hiện những cơn ngưng thở đột ngột thì cũng cần đến bác sĩ kiểm tra ngay lập tức. Nguyên nhân có thể là do luồng lưu thông khí vào phổi bị tắc nghẽn hoàn toàn. Bác sĩ sẽ kiểm tra xem bệnh nhân có bị tắc nghẽn đường hô hấp không để có biện pháp can thiệp sớm.

Trong trường hợp thở khò khè kèm theo da hoặc móng chuyển sang màu tái xanh thì người bệnh cần được cấp cứu ngay. Da, móng có màu tái là do hô hấp khó khăn, khiến cơ thể thể không nhận đủ ô xy.

Người sau khi bị ong đốt mà xuất hiện triệu chứng thở khò khè cũng cần chăm sóc y tế khẩn cấp vì đó là dấu hiệu bị dị ứng. Dị ứng cũng xuất hiện sau khi ăn một số loại thực phẩm và gây thở khò khè.

Với những trường hợp thở khò khè do cảm cúm thì một số phương pháp điều trị tại nhà sẽ giúp giảm hiệu quả triệu chứng này. Hít hơi ẩm của nước, ví dụ uống trà, nước ấm, tắm bằng nước nóng, hay dùng máy tạo độ ẩm trong nhà sẽ làm các mạch máu trong xoang mũi và khí quản giãn nở. Hiệu ứng này sẽ làm giảm nghẹt mũi và thở khò khè.

Nếu bạn phát hiện mình chỉ bắt đầu thở khò khè khi ở trong nhà hay trong phòng riêng thì rất có thể tác nhân là do chất gây dị ứng nào đó trong không khí. Lúc này, sử dụng máy lọc không khí sẽ giúp loại bỏ các tác nhân này, theo Medical News Today.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.