Có một đoạn như vầy: “Những tập thơ gần đây anh cho in thêm tên Lâm Trấn Khuê… À, thì ra Lâm Tẻn Cuôi phiên âm từ tiếng Hoa ra chữ Việt là Lâm Trấn Khuê… Thôi thì dù lấy tên nào thì cũng là anh, một người mê thơ và làm thơ bằng trái tim cháy bỏng của mình”.
Nhà thơ người Việt gốc Hoa này sinh năm 1951; anh không may bị sốt bại liệt từ nhỏ và phải ngồi xe lăn cho tới giờ. Vậy mà anh đã trở thành một doanh nhân thành đạt ở Bạc Liêu và là tác giả của 7 tập thơ đồng thời là hội viên Hội Văn học nghệ thuật Bạc Liêu và Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Xin chia sẻ với nhận xét của nhà thơ Trịnh Bửu Hoài: “Trong thế giới mênh mông đó, anh vẫn đi trong hạnh phúc với một tâm hồn nhạy cảm, vượt lên số phận, biết yêu thương và gởi cho đời những cánh hoa hương sắc của lòng mình”. Đọc bài Giao thừa mới hiểu vì sao Lâm Tẻn Cuôi đặt tên cho tập thơ lần này như vậy: Quên cuộc đời mình còn có những niềm riêng / Đời vẫn đẹp dù ngụp lặn mãi giữa dối gian lừa lọc / Giờ khai bút ru hồn đêm trằn trọc / Hãy cố quên buồn khi trước mặt mình đầy những nụ hoa!
Có thể gặp lại hình bóng của nhiều người con gái trong thơ Lâm Tẻn Cuôi. Thường nhật là nhẹ nhàng và hồn nhiên; đôi khi hóa thành sóng, thành gió nhưng không thành bão. Tỉ như trong bài Sóng tình này: Đời tất tả ngược xuôi / Tình hằn sâu nẻo người / Em đừng hồn cô phụ / Buồn lạc lõng chơi vơi / Đêm gió lạnh chìm sâu / Mộng quanh con sóng trào / Nơi tận cùng nỗi nhớ / Ta xa mà thương nhau…
“Anh hy vọng nhưng không hiểu đó có phải là cứu cánh. Anh sẽ có niềm hạnh phúc vô biên hoặc nỗi đau vô bờ. Khi yêu, anh cũng chẳng dám tin, chỉ xin người…”, Trịnh Bửu Hoài đã viết như vậy rồi trích dẫn: Xích gần chút nữa đi em / Dẫu còn khoảng cách cũng thêm ấm lòng (Gởi hương cho gió).
Và có lẽ cả đời, Lâm Tẻn Cuôi không muốn làm phiền lòng ai. Cả trong Nguyệt, một bài thơ có ý “triết lý nhân sinh” khi để cho một người con gái đẩy xe lăn đưa mình lên dốc từ bốn phía cuộc đời trước, sau, phải, trái. Đẩy từ phía trước thì Em nhích gần sẽ đẩy anh lùi xa; đẩy từ phía trái thì Lực ly tâm đâu thể hút ta vào; đẩy bên phải thì Anh phế nhân còn em hồn xuân sắc. Rốt cuộc, nhà thơ nài nỉ: Thôi em hãy từ phía sau đẩy tới / Anh nhìn lên dẫu khuất mặt ru buồn / Nhưng vòng lăn xe lên hay xuống dốc / Sẽ an lòng em mãi ở sau lưng. Vâng, không phải để an lòng mình mà để an lòng người…
Huỳnh Kim
Bình luận (0)