Các nhà thơ này đều có những nét nổi trội gần giống nhau là thơ của họ thường nghiêng về lý trí (với tư duy lý tính khá mạnh) nhưng không hề làm mất đi vẻ đẹp lặng lẽ của tâm hồn. Ngôn ngữ thi ca của họ thường vươn tới những bề sâu của tâm tưởng và tình cảm tốt đẹp về con người.
Ngô Thế Oanh thuộc típ người sống lặng lẽ suốt đời để cảm nhận và chia sẻ. Cùng thế hệ thi ca đổi mới với các nhà thơ Thanh Thảo, Ý Nhi, Trần Vũ Mai…, Ngô Thế Oanh là một gương mặt thơ đặc biệt của lứa thơ trưởng thành trong chiến tranh chống Mỹ.
Cho đến nay, ngoài tập thơ in chung Tình yêu nhận từ đất năm 1977, nhà thơ Ngô Thế Oanh chỉ có một tập thơ riêng Tâm hồn in năm 1995 và đoạt luôn Giải thưởng về thơ của Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam năm đó. Là một người thơ luôn điềm tĩnh, khiêm nhường với vẻ ẩn dật, “đôi tròng” mắt thơ của Ngô Thế Oanh cứ lặng lẽ quan sát vào bề sâu nghiệt ngã của cuộc đời và mỗi con người, để nhận biết, để khắc họa, liên tưởng và suy tư như bài thơ Nhà thơ của anh: “Đôi lúc anh giống như một mẩu thuốc lá/Người ta quét khỏi quán cà phê trước giờ đóng cửa/Đôi lúc anh giống như đồng tiền mất giá/Khó còn giúp được gì giữa chợ/Những trang thơ của anh/Những mộng tưởng của anh/Những lo âu hy vọng của anh/Anh không thể quên nhưng cũng không muốn nhớ/Anh đã học suốt đời để hiểu điều ngay thẳng/Để thú nhận tận lòng những gì nhầm lẫn/Hiểu mỗi ngọn cỏ vô danh cũng bình đẳng với người…”.
Trong bài thơ, trái tim nhà thơ đã rớm máu, đã đập cùng nhịp với những nỗi đau đời thường để phản ánh những day dứt, thăng trầm của cuộc sống mà ngôn ngữ thi ca nhiều khi tỏ ra bất lực.
Có lẽ Ngô Thế Oanh là một trong số rất ít nhà thơ trong nhiều năm qua đã lặng lẽ bền bỉ và lặng lẽ đổi mới nội dung đời sống được phản ánh trong thơ với những phát hiện rất mới và sâu sắc về tâm thế, thân phận con người, hoặc số phận một nghệ sĩ mà bài thơ viết về họa sĩ Nguyễn Sáng dưới đây là một dẫn chứng: “Anh chạy đến kiệt sức/Trên những khát vọng của mình/Và anh gục xuống/Lặng yên như mặt biển lặng yên/Giữa một thế giới đầy khôn ngoan/Anh như chỉ chọn những gì khờ dại/Những khờ dại… đôi khi/Giúp ta thanh thản bớt/Bằng cách nào để đạt đến kiệt tác/Không có câu trả lời...”.
Tâm sự về nghề văn, nhà thơ Ngô Thế Oanh đã viết: “Tôi không nhớ là đã đọc ở đâu, có lẽ từ một nhà văn bậc thầy, rằng điều đòi hỏi trước hết và chủ yếu ở một người viết là sự lương thiện. Lương thiện trong cuộc đời, lương thiện trên trang viết và với riêng tôi, đằng sau hai tiếng lương thiện này còn hàm ẩn một nghĩa sâu nữa: sự giản dị, sống giản dị, viết giản dị…”.
Bình luận (0)