"Chúng tôi có thể gửi một thông điệp khác cho Phần Lan (về việc nước này xin gia nhập NATO) và Thụy Điển sẽ sốc khi họ nhìn thấy thông điệp của chúng tôi. Nhưng Phần Lan không nên mắc sai lầm tương tự mà Thụy Điển đã mắc phải", ông Erdogan nói trong một bài phát biểu trên truyền hình ngày 29.1, theo Reuters.
Thụy Điển và Phần Lan năm ngoái đã đăng ký gia nhập NATO sau khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine. Để có thể gia nhập, hai nước Bắc Âu cần nhận được sự chấp thuận của toàn bộ 30 nước thành viên hiện tại trong liên minh. Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary vẫn chưa phê chuẩn việc này.
Đường vào NATO của Thụy Điển vẫn trắc trở vì Thổ Nhĩ Kỳ
Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng Thụy Điển chứa chấp những người mà Ankara nói là các chiến binh thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK), từng cầm vũ khí chống lại nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1984. PKK là tổ chức chính trị - quân sự đã bị Thổ Nhĩ Kỳ cũng như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) liệt vào danh sách khủng bố.
"Chúng tôi đã đưa cho Thụy Điển danh sách 120 người và yêu cầu họ dẫn độ những kẻ khủng bố đang sống tại đất nước họ. Nếu các vị không dẫn độ, thì tôi rất lấy làm tiếc về chuyện đó", ông Erdogan nói, đề cập đến thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Thụy Điển và Phần Lan vào tháng 6.2022, xoay quanh nỗ lực gia nhập NATO của hai nước.
Thổ Nhĩ Kỳ đã đình chỉ các cuộc đàm phán với Thụy Điển và Phần Lan về việc gia nhập NATO vào tuần trước sau một cuộc biểu tình ở Stockholm, trong đó một chính trị gia cực hữu đã đốt một cuốn kinh Koran, tài liệu thiêng liêng nhất của Hồi giáo.
Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cho biết nước này muốn khôi phục đối thoại với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hôm 26.1 tuyên bố rằng việc tái khởi động các cuộc đàm phán là vô nghĩa.
Xem nhanh: Chiến dịch Nga ngày 339, Ukraine hối cung cấp tên lửa, máy bay; xe tăng NATO lấn át xe tăng Nga?
Ông Cavusoglu cũng cho hay "không có đề nghị nào về việc xem xét tư cách thành viên NATO của Thụy Điển và Phần Lan một cách riêng biệt".
Bình luận (0)