Tối 19.2, gần 2 tuần sau trận động đất mạnh 7,8 độ Richter xảy ra ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền bắc Syria, Cơ quan Quản lý thảm họa và tình huống khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ thông báo kết thúc công tác tìm kiếm và cứu hộ ở hầu hết các khu vực bị ảnh hưởng, ngoại trừ hai tỉnh Hatay và Kahramanmaras, để bắt đầu công cuộc tái thiết. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá rằng công cuộc này cần nhiều nguồn lực và thời gian, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang gặp vô vàn khó khăn.
Thiệt hại nghiêm trọng
Theo thống kê của hãng Reuters vào ngày 19.2, các trận động đất kéo dài khoảng 75 giây vào ngày 6.2 ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã cướp đi sinh mạng của khoảng 47.000 người, phá hủy khoảng 70.000 tòa nhà và 264.000 căn hộ. Dự kiến số người thiệt mạng vẫn sẽ tăng lên do còn nhiều người mất tích. Thiệt hại kinh tế tại 10 tỉnh bị ảnh hưởng ước tính lên tới 85 tỉ USD (tương đương khoảng 10% toàn bộ nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2022), trong đó 70,8 tỉ USD là thiệt hại đối với các tòa nhà dân sự.
Động đất đã phá hủy một vùng công nghiệp quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực xung quanh các thành phố Kahramanmaras và Gaziantep, nơi đặt các nhà máy xuất khẩu các mặt hàng tiêu dùng cho các thương hiệu phương Tây như quần áo, đồ trang sức, xoong nồi và sắt… Động đất cũng tàn phá các cơ sở hạ tầng nông nghiệp, sản xuất trái cây, rau quả và ngũ cốc.
Khó khăn chồng chất khó khăn khi vào tối 20.2, khu vực miền nam Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục phải hứng chịu hai trận động đất mạnh 6,4 và 5,8 độ Richter khiến 3 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương. Các trận động đất mới xảy ra khiến cho tình hình càng trở nên bi đát hơn bao giờ hết và công cuộc tái thiết của Thổ Nhĩ Kỳ gặp vô vàn thách thức.
Kế hoạch tái thiết đất nước
Ngày 14.2, Tổng thống Erdogan công bố một loạt biện pháp hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi động đất với cam kết trong vòng 1 năm sẽ cho xây dựng "những tòa nhà chất lượng cao và an toàn", đáp ứng nhu cầu nhà ở trong vùng xảy ra động đất.
Cứu hộ nạn nhân động đất, làm sao để nhanh mà không có sự cố?
Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuad Oktay cũng tuyên bố khởi động chiến dịch "Nhà của tôi cũng là nhà của bạn" nhằm kêu gọi các nhà hảo tâm đang sở hữu nhiều nhà ở cung cấp miễn phí cho các nạn nhân hoặc cho họ thuê nhà với mức giá hợp lý. Ngoài ra, nhà hảo tâm cũng có thể quyên tiền để ủng hộ những người bị ảnh hưởng bởi động đất thuê nhà.
Theo tờ The Wall Street Journal, chính phủ cũng hứa sẽ hỗ trợ 100.000 lira (khoảng 5.300 USD) cho thân nhân của những người thiệt mạng trong trận động đất để hỗ trợ các nhu cầu cấp thiết. Cũng trong tuần qua, các tổ chức nhà nước và doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đã quyên góp 115 tỉ lira (khoảng 6 tỉ USD) để cứu trợ thảm họa.
Ở trong nước, nhiều người đã dùng tài khoản mạng xã hội cá nhân và phần mềm nhắn tin trực tuyến WhatsApp để kêu gọi giúp đỡ người dân tại các vùng chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, các chuyên gia ước tính từng này vẫn "không thấm vào đâu" và cần phải có một tổ chức cấp nhà nước đứng ra hỗ trợ các hoạt động cứu trợ người dân. Trong khi đó, một số người lạc quan cho rằng quá trình tài thiết không phải vấn đề lớn vì Thổ Nhĩ Kỳ đã ưu tiên phát triển lĩnh vực xây dựng trong vòng 20 năm trở lại đây. Điều quan trọng là tốc độ tái thiết phải đi đôi với chất lượng.
Bên cạnh sự hỗ trợ về nhân lực và vật lực của cộng đồng quốc tế, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã cam kết hỗ trợ 1,78 tỉ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ phục hồi sau thảm họa và Liên Hiệp Quốc cũng kêu gọi quyên góp 1 tỉ USD cho nước này.
Viện Nghiên cứu Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ) cho biết ưu tiên trước mắt của cộng đồng quốc tế là cung cấp thuốc men, thực phẩm và nơi trú ẩn cho những người bị ảnh hưởng bởi động đất. Các nhóm chuyên gia cũng sẽ khảo sát thực tế để đánh giá thiệt hại và vạch ra kế hoạch tái thiết liên quan vấn đề tài chính, thiết kế và giám sát các dự án cho từng địa phương nhằm đảm bảo quá trình tái thiết nhanh chóng, đạt chất lượng để tránh các thảm họa tương tự trong tương lai.
Tuyệt vọng tìm người sống sau gần 2 tuần động đất, số người chết vượt 46.000
6 thách thức lớn
Các trận động đất đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng, các thành phố trở nên trống rỗng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Hơn nữa, thảm họa này càng làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn ở Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đang quay cuồng trong cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, đe dọa đến sự mở rộng kinh tế của đất nước trong suốt 20 năm qua và đặt ra 6 thách thức không nhỏ đối với chính quyền của Tổng thống Erdogan.
Thứ nhất là thách thức từ việc cải tạo các khu vực an toàn của các thành phố đã bị đổ nát, khôi phục hệ thống điện, nước và sưởi ấm. Ước tính khoảng hơn 2 triệu người đã bị mất nhà cửa và buộc phải rời đi, do đó, một phần lực lượng lao động của đất nước đã bị ảnh hưởng.
Ông Mikail Utlu, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp và các nhà công nghiệp ở thành phố Kahramanmaraş nói rằng: "Chúng ta cần giải quyết vấn đề việc làm và nơi ở càng sớm càng tốt để không mất đi những người này. Những người đã rời đi sẽ không bao giờ quay lại".
Hơn nữa, gánh nặng kinh tế sẽ ngày càng đè nặng lên đất nước này do công cuộc tái thiết không chỉ là nhà ở mà còn là các khu công nghiệp cùng các cơ sở hạ tầng quan trọng khác như trường học, bệnh viện, tòa nhà chính phủ.
Thứ hai, việc thanh toán cho các chi phí khắc phục hậu quả động đất và công cuộc tái thiết gặp vô vàn khó khăn. Đồng lira đã mất một nửa giá trị, dẫn đến lạm phát kỷ lục ở mức 85% hồi tháng 10 năm ngoái. Mặc dù tình hình gần đây có vẻ sáng sủa hơn do dòng tiền từ Nga và các quốc gia vùng Vịnh chảy vào, lượng khách du lịch gia tăng sau đại dịch Covid-19 đã phần nào bù đắp cho sự sụt giảm ngoại tệ của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, từng đó là chưa đủ với những thiệt hại mà trận động đất kinh hoàng vừa qua gây ra.
Bên cạnh đó, trái ngược với phần lớn các nước, chính phủ của Tổng thống Erdogan đang theo đuổi một chiến lược không chính thống là cắt giảm lãi suất bất chấp lạm phát cao nhằm khuyến khích tăng trưởng, đặc biệt là xuất khẩu, vốn được hưởng lợi từ đồng nội tệ yếu hơn. Tuy nhiên, động thái này lại khiến đồng lira sụp đổ.
Thứ ba là sự mất niềm tin của người dân vào chính quyền của Tổng thống Erdogan, nhất là sau những phản ứng ban đầu khá chậm chạp và thiếu tổ chức ngay sau thảm họa. Nhiều chủ doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ cũng hoài nghi về kế hoạch tái thiết đất nước trong một năm của mà ông Erdogan đã công bố.
Họ cho rằng, thiệt hại trên diện rộng chứ không phải chỉ riêng ở một tỉnh, do đó, công cuộc tái thiết không thể diễn ra một sớm một chiều. Hơn nữa, việc tái thiết không phải chỉ xây dựng hàng loạt cho xong mà điều quan trọng là làm sao phải đảm bảo chất lượng các công trình.
Thứ tư là nguy cơ bùng phát dịch bệnh giữa những người sống sót là rất cao. CNBC dẫn lời ông Robert Holden, quan chức xử lý thảm họa động đất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo rằng có quá nhiều người được giải cứu đang phải sống trong tình cảnh ngày càng tồi tệ, từ thiếu thốn đồ ăn, nước sạch đến nhiên liệu, thông tin liên lạc. Do đó, mối đe dọa dịch bệnh sau động đất có thể sẽ là một thảm họa khác, đẩy nhiều người vào tình cảnh còn nghiêm trọng hơn nếu như cộng đồng quốc tế không hành động ngay lập tức.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca trấn an rằng tình hình vẫn trong tầm kiểm soát và các biện pháp y tế đã được thực hiện để giám sát và ngăn chặn khả năng xảy ra bệnh tật truyền nhiễm.
Thứ năm, áp lực đối với các thành phố lân cận khu vực động đất rất lớn vì trước khi công cuộc tái thiết sau thảm họa hoàn thành, người dân tại các khu vực bị ảnh hưởng buộc phải tìm tới các thành phố lân cận để tạm trú. Do đó, nhu cầu về nhà ở, việc làm, vấn đề an ninh và an sinh xã hội tại các thành phố tiếp nhận người di cư sẽ rất lớn, tạo thành áp lực với các chính quyền sở tại.
Sống sót qua "104 giờ địa ngục" bị chôn vùi sau trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ
Sáu là, nơi xảy ra thảm họa động đất cũng là nơi sinh sống của rất nhiều người tị nạn đến từ Syria. Do đó, vấn đề đặt ra hiện nay là những người tị nạn Syria tại khu vực bị ảnh hưởng sẽ được tái định cư như thế nào và sẽ được cung cấp nhà ở ra sao.
Hơn nữa, do sự phức tạp của các hoạt động xuyên biên giới, việc thiết lập một cơ chế phối hợp hiệu quả để đóng góp giữa các cơ quan và nhà tài trợ cũng là vấn đề cần được quan tâm. Việc cộng đồng quốc tế hành động chậm trễ có thể gây bất ổn cho toàn khu vực, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo và gia tăng số người tị nạn, nguy cơ xung đột và sự lan rộng của chủ nghĩa cực đoan.
Trận động đất kinh hoàng vừa qua không chỉ gây thiệt hại nặng nề về người và của với Thổ Nhĩ Kỳ mà còn để lại những hệ lụy vô cùng to lớn trước mắt và cả lâu dài với nền kinh tế nước này, đặt ra thách thức không nhỏ với chính quyền Tổng thống Erdogan, nhất là trong bối cảnh cuộc tổng tuyển cử ở nước này sẽ diễn ra vào ngày 14.5 tới đây.
Không biết đến bao giờ cuộc sống của người dân ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất mới có thể trở lại như bình thường. Chỉ có sự quyết tâm của chính phủ, sự chung tay của cả cộng đồng, sự hợp tác, giúp đỡ, hỗ trợ từ các nước và cộng đồng quốc tế, Thổ Nhĩ Kỳ mới có thể đẩy nhanh quá trình tái thiết đất nước.
Thiên tai luôn ảnh hưởng đến tất cả chúng ta theo những cách không thể đoán định trước và lịch sử đã cho thấy, chúng có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế đất nước, đến các ưu tiên phát triển như thế nào và thậm chí có thể khiến một chính phủ bị sụp đổ. Chính vì vậy, điều quan trọng là phải quan tâm đúng về cách phòng ngừa và giảm thiểu tác động của thảm họa, đặc biệt là ở các khu vực nguy cơ cao như Thổ Nhĩ Kỳ.
Bình luận (0)