Thổ Nhĩ Kỳ du ký - Kỳ 3: Đền cổ chữa bệnh

08/10/2014 03:00 GMT+7

Hiện nay người ta gọi là bệnh viện nhưng Asklepeion thực ra là ngôi đền (bảng hướng dẫn đề healing temple) điều trị bệnh. Đến đây mới hay, phân tâm học đã xuất hiện từ 2.000 năm trước khi có ngành phân tâm học và người cổ xưa đã ứng dụng để chữa bệnh.

>> Thổ Nhĩ Kỳ du ký - Kỳ 2: Bán hàng theo kiểu... Thổ Nhĩ Kỳ
>> Thổ Nhĩ Kỳ du ký - Kỳ 1: Thủ đô của thế giới 

Thổ Nhĩ Kỳ du ký - Kỳ 3: Đền cổ chữa bệnh
Một góc Asklepeion - Ảnh: Nguyễn Thế Thịnh

Xe dừng lại ở trung tâm thành phố Bergama, nhìn lên núi cao là một thành phố cổ đã được khai quật lộ thiên, nhưng chúng tôi không lên đó mà đi hướng ngược lại, chừng 15 phút thì đến cổng Asklepeion, nơi người ta nói đến Thổ Nhĩ Kỳ mà không đến đây thì ân hận cả đời.

Đi qua giữa rặng thông cổ thụ sẽ thấy một con đường lát đá tảng, hiện nay vẫn còn dài hơn 800 m, đó là Con đường Thần Thánh (Sacred Way). 

Nhìn toàn bộ khu khai quật khảo cổ, với nhiều cột đá cao chạm trổ tinh xảo, nhiều tảng đá lớn rải rác một khuôn viên có đến hàng chục héc ta, đủ thấy bệnh viện cổ này từng có quy mô rất hoành tráng.

Cô Cibel, người bản địa, giới thiệu, theo các nhà nghiên cứu, Asklepeion được một hào phú tên Archias cho xây lên để điều trị bệnh cho những người giàu có, những bậc trưởng giả, những chức sắc cao cấp trong triều đình. Nó được xây dựng vào thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên, vinh danh vị thần sức khỏe và ngành y, Aesculapius, trong  truyền thuyết cổ Hy-La. Toàn bộ hệ thống chữa bệnh, hý viện (có sức chứa lên đến 3.500 người), thư viện... tạo thành một quần thể. Bệnh nhân có thể đến đền thờ để cầu nguyện, đến hý viện để thư giãn, giúp trị bệnh và đến thư viện để đọc sách. Điều này chứng tỏ, trung tâm y tế cổ xưa này có thể đồng thời chữa trị được nhiều người, với nhiều phương pháp khác nhau. Asklepeion đến nay được cho là trung tâm y tế cổ nhất thế giới, với quy mô đúng nghĩa của nó.

Trong đống tàn tích, còn có nhiều đường hầm, hầu như còn nguyên vẹn. Các đường hầm dẫn đến những phòng chữa bệnh và các hồ nước. Loại nước chứa trong các hồ này dùng để uống. Các nhà nghiên cứu suy luận, ngày xưa người ta đã khai thác nguồn nước khoáng uống, ngâm để trị bệnh. 

 

Đến Asklepeion ta có thể ý thức được mức quan trọng của mối quan hệ giữa tâm hồn và thể xác. Thời cổ xưa đó người ta đã xác định được, chính vì tâm có bệnh nên thân không thể khỏe mạnh. Do đó, người ta chú trọng điều trị cho tâm khỏi bệnh, giúp cho thân khỏe mạnh. Ngủ, tắm nước khoáng nóng và uống nước, nghe nhạc, đọc sách... là những phương thức trị bệnh của thời này.

2.000 năm trước đã có ngành phân tâm học

Các nhà khoa học nhận định, tại Asklepeion người ta đã biết nghiên cứu những giấc mơ của bệnh nhân để tìm hiểu nhân cách con người, từ đó có biện pháp trị bệnh. Như vậy, ngành phân tâm học đã xuất hiện từ 2.000 năm, trước khi có ngành phân tâm học do Freud đề ra. 

Chúng tôi vào một đường hầm, theo hướng dẫn của cô Cibel, một số người đi trong hầm, một người khác lên nóc hầm, ghé vào cái lỗ thông hơi rồi nói: “Các con ơi, các con hãy cố gắng lên, các con bỏ hết lại mọi điều sau lưng và đi về phía trước, đó mới chính là bản thân mình…”. Những người dưới đường hầm rợn tóc gáy vì tiếng nói vọng âm (như eco) nghe rất thần bí. Đó cũng là một trong những cách chữa bệnh ngày xưa.

Asklepeion trở nên nổi tiếng dưới thời ông Galen (131 - 210). Galen là một nhà vật lý, một triết gia, đồng thời là một bác sĩ nổi tiếng đã từng đi thụ huấn tại Hy Lạp và Ai Cập. Galen đã tới Asklepeion để học tập, rèn luyện và trở thành huấn luyện viên và là người chăm sóc sức khỏe cho những võ sĩ giác đấu. 

Hý viện mà chúng tôi thấy không chỉ là sân khấu bình thường mà còn là đấu trường cho các võ sĩ. Giữa đấu trường có một cái hào rộng để ngăn cách, không cho thú dữ làm hại khán giả. Ngoài ra còn có chỗ nhốt thú dữ, hay những nô lệ tham gia giác đấu.

Đền Asklepeios là một phần của trung tâm y tế Asklepion. Đền có mái bán cầu, đường kính bán cầu hơn 20 m, trông tựa như đền Pantheon ở La Mã. Đây chính là khu vực chữa trị bệnh nhân bằng phương thức ngủ.

Ngày nay, người ta phục chế lại vài phần của thành cổ. Người ta dựng lại một dãy mười bảy cây cột đá cao chót vót, dẫn tới tàn tích thư viện và hý viện cổ theo kiến trúc hình vòng cung của La Mã. Hý viện này đã được phục chế một phần, sắp xếp lại trên sườn đồi cho giống quang cảnh ngày xưa.

Vào những ngày hội, thành phố Bergama tổ chức những buổi trình diễn các vở kịch cổ điển. Người ta bố trí lính tráng, người phục vụ... ăn mặc, mang gươm giáo theo kiểu cổ. Du khách đến vào dịp này sẽ được tham dự và có cảm giác mình đang sống lại vào thế giới cổ xưa, cách đây 2.000 năm.

Chúng tôi rời ngôi đền chữa bệnh vào lúc chiều tà, nhiều du khách là những cặp vợ chồng già vẫn ngồi trên phiến đá, khung cảnh cổ xưa dù hoang phế nhưng mang lại một cảm giác khó tả, nó vừa bí ẩn vừa hiện thực. Đó có lẽ là một ý niệm về những phương pháp điều trị bệnh mà từ cổ xưa, tổ tiên của loài người đã khám phá được rất cần khám phá, ứng dụng.

Nguyễn Thế Thịnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.