Thổ Nhĩ Kỳ dùng bom nguyên tử 'bắt chẹt' Mỹ?

15/10/2019 14:58 GMT+7

Ước tính 50 quả bom nguyên tử của Mỹ vẫn đang nằm ở căn cứ không quân trên đất Thổ Nhĩ Kỳ, trong bối cảnh quan hệ Washington – Ankara đang căng thẳng, nhất là sau khi Thổ Nhĩ Kỳ kéo quân đánh lực lượng người Kurd ở Syria.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã phản ứng kịch liệt trước áp lực từ phương Tây nhằm can thiệp chiến dịch quân sự của nước này tại miền bắc Syria. “Chúng tôi kiên quyết kết thúc chiến dịch của mình”, theo Reuters dẫn lời nhà lãnh đạo hôm 14.10.
Ngay sau đó, Mỹ áp lệnh cấm vận đối với các quan chức Ankara và ngừng đàm phán thương mại trị giá 100 tỉ USD với đồng minh. EU hồi đầu tuần cũng tuyên bố lệnh cấm vận vũ khí đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

[VIDEO] Tổng thống Trump trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì tấn công Syria

Tuy nhiên, bất kỳ sự tính toán nào của Washington cũng bị giới hạn bởi kho bom hạt nhân B61 đang nằm ở căn cứ Incirlik, cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria khoảng 160 km. Đây là tàn dư từ thời Chiến tranh Lạnh và vẫn chưa có kế hoạch đưa vào sử dụng trên thực tế.
Lâu nay Washington luôn muốn đưa bom khỏi Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng chưa bao giờ thực hiện. Thế nhưng, câu hỏi này đang ngày càng cấp bách hơn bao giờ hết.

Căn cứ Incirlik nhìn từ trên cao

Kho lưu trữ quốc gia Mỹ

Trong những ngày gần đây, quan chức chính quyền Washington bí mật rà soát các kế hoạch chuyển bom đi nơi khác, theo báo The New York Times hôm 14.10.
Tờ báo dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ lo ngại Tổng thống Erdogan có thể sử dụng bom nguyên tử làm “con tin” để gây áp lực đối với Nhà Trắng, và việc di dời kho vũ khí khỏi Incirlik có thể đặt dấu chấm hết cho quan hệ đồng minh song phương.

Các bom hạt nhân B-61 nằm trên giá bom

Wikipedia

Theo báo The Guardian dẫn lời một cựu quan chức chính quyền Washington, trước lời đề nghị di chuyển bom đi nơi khác, các nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã phản ứng bằng cách nói rằng Ankara sẽ tự phát triển vũ khí hạt nhân.
Bản thân ông Erdogan hồi tháng trước cũng đã nhấn mạnh không có chuyện Thổ Nhĩ Kỳ lâm vào tình trạng thiếu vũ khí (hạt nhân) để phòng vệ.
“Chẳng có quốc gia phát triển nào trên thế giới lại không sở hữu vũ khí hạt nhân”, nhà lãnh đạo tuyên bố, dù trên thực tế Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân chỉ công nhận Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc là các quốc gia có dòng vũ khí hủy diệt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.