Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia có cộng đồng fan Kpop (được hiểu là nhạc pop Hàn Quốc hay nhạc Hàn) lớn nhất thế giới. Theo dữ liệu được Koreaboo đăng tải, đất nước này đứng thứ 10 trong danh sách những quốc gia mà công chúng dành thời gian thưởng thức các nội dung Kpop nhiều nhất và thứ 9 về mức độ tiêu tiền cho Kpop. Tuy nhiên, những người hâm mộ tại quốc gia này đang hoang mang khi chính phủ bắt đầu đưa vấn đề này vào cuộc điều tra, đánh giá vì khả năng gây hại cho giới trẻ.
Ngày 10.8 vừa qua, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin ba cô bé (lần lượt 11, 13 và 15 tuổi) đã nói dối gia đình đi dã ngoại và cố gắng đến Hàn Quốc nhưng bất thành. Chia sẻ với hãng truyền thông NTV, bộ ba gây sốc khi tiết lộ rằng tình yêu đối với nhạc Hàn và các bộ phim đến từ xứ củ sâm đã khiến họ quyết định trốn sang Hàn. Mặc dù phụ huynh của một cô bé sau đó phủ nhận việc con họ cố gắng rời đất nước nhưng câu chuyện này vẫn được lan truyền rầm rộ.
|
Những cuộc tranh cãi, bàn tán xung quanh vấn đề này đã khiến Bộ Gia đình và Dịch vụ Xã hội bắt đầu quá trình điều tra, đánh giá lại sự tác động của Kpop. Theo tờ Milliyet, cuộc điều tra cũng dựa theo các cáo buộc từ nhiều quan chức - bộ phận đồng ý rằng Kpop đang gây ra mối đe dọa cho giới trẻ nước này. Tuy nhiên, phần lớn mối quan tâm này dường như bắt nguồn từ quan điểm chống LGBTQ+. Cụ thể, các cáo buộc này cho rằng Kpop đang khiến giới trẻ lạc lõng với những giá trị truyền thống, chối bỏ gia đình và có nhận thức lệch lạc về giới tính.
Năm 2019, một bình luận viên ở Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố BTS là “một phần của kế hoạch toàn cầu nhằm tạo ra một xã hội lệch lạc giới tính” trong một bài viết có tiêu đề “Đội quân đồng tính đang đến”. Một bác sĩ tâm lý trẻ em tại nước này từng nhận định các nhóm nhạc như BTS đã tạo ra sự hoang mang về bản dạng giới ở những người trẻ. Trong khi đó, một chuyên gia về truyền thông kỹ thuật số cho rằng Kpop khuyến khích giới trẻ “quyết định về giới tính của họ sau tuổi vị thành niên dựa trên ý chí cá nhân”. Vào thời điểm đó, một hãng thông tấn nhà nước đã thúc giục chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ hành động chống lại “cuộc xâm lăng văn hóa” của Kpop.
|
Hiện tại, Bộ Gia đình và Dịch vụ Xã hội đang tiến hành nghiên cứu, đánh giá để xác định xem liệu Kpop có nên được cấu thành nội dung trực tuyến độc hại, tác động tiêu cực đến giới trẻ hay không. Chính phủ đang giám sát các nền tảng Twitter và YouTube như một phần của cuộc điều tra này. Theo dữ liệu của Twitter, năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ có lượng tweet liên quan đến Kpop cao thứ 19 trên thế giới.
Tuy nhiên, nhiều người cũng phản ứng trước những tuyên bố tiêu cực về Kpop bằng cách phủ nhận thể loại này có hại cho giới trẻ. Alptekin Keskin - một học giả nghiên cứu về phong trào chống lại Kpop, đã lưu ý rằng những cô gái trẻ từng cố gắng bỏ nhà sang Hàn Quốc chỉ là “trường hợp ngoại lệ” chứ không phải là “xu hướng”. Keshin giải thích rằng những cáo buộc chống lại Kpop đều đến từ các nhóm bảo thủ, những người tìm cách bêu xấu Kpop như một phong trào ủng hộ LGBT, khiến xã hội bị lệch lạc về giới tính và tác động tiêu cực đến giới trẻ.
|
Những người hâm mộ Kpop tại quốc gia này đã sử dụng số liệu và kiến thức mà họ biết để chống lại cáo buộc, quan điểm cực đoan về Kpop thông qua các hashtag và các phong trào trên mạng xã hội. Keshin cho hay: “Trong cuộc phỏng vấn mà tôi thực hiện với những người hâm mộ, họ cảm thấy những idol Kpop đã cho họ những lời động viên, khích lệ tinh thần cũng như thông điệp về sự tôn trọng”.
Trong khi các cuộc điều tra, thăm dò về Kpop đang được thực hiện, người hâm mộ tại Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại họ có thể sẽ bị cấm nghe nhạc Hàn, nói về các nhóm nhạc yêu thích và cả những bộ phim đến từ xứ kim chi. Tuy nhiên, chính phủ vẫn chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về việc Kpop có nguy cơ bị cấm tiệt tại nước này.
Bình luận (0)