Thổ Nhĩ Kỳ dường như đang tìm cách hạ nhiệt căng thẳng với Nga sau vụ bắn rơi chiến đấu cơ Su-24 hôm 24.11.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan khi phát biểu trên truyền hình France 24 của Pháp cũng nói rằng “Nếu chúng tôi biết đó là máy bay Nga, có thể chúng tôi đã cảnh báo kiểu khác rồi” - Ảnh: Reuters |
Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga trở nên căng thẳng sau khi Không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 của Nga hôm 24.11. Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là tội ác, là "đòn đâm sau lưng Nga của những kẻ đồng lõa với khủng bố", đồng thời tuyên bố không dung thứ và đã ra lệnh chuẩn bị các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định nước này sẽ không xin lỗi Nga và sẽ tiếp tục bắn hạ máy bay nước ngoài xâm phạm không phận như đã làm với máy bay Nga.
Nếu chỉ nhìn vào những tuyên bố mạnh mẽ đó của cả hai phía thì chắc rằng quan hệ song phương khó lòng "hạ nhiệt". Tuy nhiên, có vẻ như Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang muốn thoát ra khỏi rắc rối này, bởi lẽ đối đầu với Nga không phải là ý tưởng hay, ít nhất trong lúc này. Thổ Nhĩ Kỳ cũng không thể chờ các đồng minh NATO cùng đối đầu với Nga vì sau vụ khủng bố kinh hoàng ở Paris hôm 13.11, tất cả đều hiểu khủng bố mới là kẻ thù chung và Nga là đối tác cần có trong cuộc chiến này.
Để ý các phát biểu của giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ trong những ngày qua, phần nào đó họ vẫn cố tránh đối đầu trực diện. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và cả Thủ tướng Ahmet Davutoglu đều đưa ra một lý do là bảo vệ chủ quyền và nhấn mạnh rằng chỉ bắn máy bay sau khi đã phát cảnh báo, nghĩa là chỉ là phản ứng đáp trả chứ không phải chủ động bắn hạ máy bay của Nga.
Trong một bài viết của Thủ tướng Ahmet Davutoglu đăng trên tờ The Times của Anh ngày 27.11, ông Davutoglu đã bày tỏ nhã ý rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hợp tác với Nga để giảm căng thẳng sau vụ việc bắn hạ máy bay Nga, vốn là hành động không nhằm vào nước cụ thể nào.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu - Ảnh: AFP
|
Thêm nữa, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 26.11 đưa ra tuyên bố rằng lực lượng này không biết máy bay đó của nước nào và các hành động đáp trả được tiến hành một cách tự động. Đồng thời, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định không hề cố tình nhắm vào máy bay Nga, cũng như đã “nỗ lực đáng kể trong việc tìm kiếm và giải cứu hai phi công (Nga) sau khi bắn hạ máy bay”.
Cũng trong nỗ lực ngăn chặn căng thẳng leo thang giữa hai nước, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã mời các quan chức quốc phòng Nga để giải thích sự việc.
Bản thân Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan khi phát biểu trên truyền hình France 24 của Pháp cũng nói rằng “Nếu chúng tôi biết đó là máy bay Nga, có thể chúng tôi đã cảnh báo kiểu khác rồi”.
Một dấu hiệu khác từ phía Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu khi ông khẳng định Nga là đối tác quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Davutoglu đã gọi Nga là bạn và nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn không có ý định chia rẽ mối quan hệ hữu nghị với Nga, đồng thời cho rằng quan hệ giữa hai nước sẽ không thể bị phá vỡ vì những lời qua tiếng lại như vậy.
Những phát biểu của giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ phần nào cho thấy nước này đang cố tìm cách hạ nhiệt căng thẳng với Nga sau vụ bắn rơi Su-24, chứ không hẳn muốn đưa mối quan hệ này vào thế bế tắc.
Bình luận (0)