Thợ săn ‘rồng đất tiến vua’ kiếm tiền triệu mỗi ngày ở sông Gianh
Là tặng vật thiên nhiên được dòng sông Gianh ( Quảng Bình ) ban tặng, sá sùng được rất nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, không nhiều người ngày nay còn biết cách săn loài vật được mệnh danh là "rồng đất" tiến vua này. Chỉ một vài thợ săn sá sùng chuyên nghiệp mới đủ thạo nghề “tác nghiệp” ở bờ sông Gianh.
Tự động phát
Nhìn giống như giun đất nhưng dài hơn và múp míp hơn, sá sùng là sản vật quý được thiên nhiên ban tặng cho những người dân sống ở khu vực cửa sông Gianh (Quảng Bình) từ nhiều đời nay.
Theo người dân địa phương, trước đây sá sùng là sản vật dùng để tiến vua. Vậy nên, loài vật này còn được gọi với cái tên mỹ miều là “rồng đất”.
Sá sùng thường sinh sống ở môi trường bùn lầy, nước lợ và được dùng làm bài thuốc trong Đông y. Khác với cá tôm, cua, ốc,… sá sùng chỉ có vào một vài tháng nhất định trong năm.
Sá sùng nhìn giống như giun đất nhưng dài và múp míp hơn |
BÁ CƯỜNG |
Bắt sá sùng yêu cầu rất nhiều kỹ thuật khó, chỉ có thợ săn sá sùng chuyên nghiệp mới có thể theo được nghề này.
Cả khu vực cửa sông Gianh chỉ có vài người theo nghề săn sá sùng. Ông Lê Văn Khắp (54 tuổi, quê Quảng Nam) là một trong số vài người hiếm hoi ấy.
Với 15 năm kinh nghiệm săn sá sùng, ông Khắp cho biết, để bắt và chế biến được sá sùng chất lượng, đòi hỏi người làm phải phân biệt được đâu là hang của sá sùng bởi chúng thường sống dưới độ sâu khoảng 40-50 cm, miệng hang nhô lên so với mặt đất. Khi đào hang, người đào phải nhanh nhẹn chụp lấy chúng nếu không chúng sẽ chui xuống sâu hơn, rất khó bắt.
Ông Khắp đã có kinh nghiệm săn sá sùng hơn 15 năm |
bá cường |
Theo các thợ săn sá sùng, loài vật này thường chỉ xuất hiện vài ba tháng trong năm, thường là trước mùa mưa bão 2 tháng. Vì hiếm, khó bắt và chế biến kỳ công nên sá sùng thường có giá rất cao. Sau khi bắt sá sùng, ông Khắp bán lại cho quán ăn cạnh sông Gianh. Tại các quán ăn, mỗi đĩa sá sùng xào thường được bán với giá từ 250.000 đến 300.000 đồng.
1 đĩa sá sùng xào ở quán ăn cạnh sông Gianh |
bá cường |
Dọc bờ sông Gianh, chỉ có một vài quán ăn bán các món sá sùng tươi này. Và kỳ lạ là cũng gần như không có người Quảng Bình nào biết nghề săn sá sùng hay chế biến sá sùng thật sạch. Chính nhờ bí quyết riêng, ông Khắp đã tận dụng được sản vật quý mà sông nước ban tặng, kiếm thu nhập cao cho gia đình.
Bình luận (0)