Thơ Trần Thế Vinh

12/11/2013 09:50 GMT+7

Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam, Trần Thế Vinh đi gần như khắp đất nước, giang hồ lãng tử; nhưng đi đâu rồi cũng quay về ẩn cư dưới chân ngọn núi Dài trong dãy Thất Sơn ở quê nhà An Giang. Có lời đồn trong làng văn nghệ miền Tây, hễ nghe tin có bạn văn đến Thất Sơn, Trần Thế Vinh lập tức đưa bạn vào núi, thơ rượu tràn bờ, chỉ mong khách nhớ quê mình - rằng giữa đồng bằng châu thổ vẫn mọc lên bảy ngọn núi cao.

Thơ Trần Thế Vinh

Đúng là Thất Sơn ám ảnh anh. Trong bài Núi Dài và tôi, anh mở đầu: Dồ đá Miễu nhô ra/ Nơi má tôi thời xuân xanh trèo lên, tuột xuống/ Đá xước ngón chân con gái dậy thì/ Ông nội tôi may nóp ra đi/ Vạt nhọn tầm vông đánh Tây xâm lược/ Chưa đón nắng thanh bình ông qua đời trước/ Rồi ông ngoại tôi cũng xế bóng dưới dồ này. Giữa chừng, lại ám ảnh chiến tranh: Trước hồn núi vọng khua/ Ba tôi cúi đầu về bốn hướng, tám phương van vái/ Rồi mùa khô sau/ Máy bay dội bom xăng, núi Dài bốc cháy/ Che chở con, má tôi lửa xém thân hình/ Ba chôn cất những người hy sinh. Cho tới đời mình, thì: Mỗi lần đi/ Và lần về. Tôi như người mang nợ/ Trước cây cỏ, vạt rừng, hang động, suối khe…

Thất Sơn in bóng trong thơ Trần Thế Vinh dài theo năm tháng. Năm 1980, trong bài Ở đó Thất Sơn, anh thấy: Thất Sơn mây bạt ngàn/ Người trong xóm núi vịn làng cột mây. Và: Đá Thất Sơn cao thấp ngửa nghiêng/ Chập chùng thương nhớ biết riêng từng người. Tới năm 2000: Đêm núi Cấm/ Ta nép mình trong lá/ trong mây, trong sương tan như tuyết/…Ta ngậm từng giọt rượu/ giọt trăng, giọt sao lan tỏa khắp thân mình (Đêm núi Cấm). Sang năm 2003: Thất Sơn qua rồi những trận binh đao/ Ô Tà Sóc, núi Dài… đang xanh lá/ Bỗng trong bóng đêm thời bình/ Từ lòng người và đồng tiền mặc cả/ Bắn đá - đá rung, nhốn nháo chim rừng/ Bụi bặm trắng trời phủ mặt núi hồi xuân (Đêm nghe núi khóc).

Năm 2010, Trần Thế Vinh ghi lại hoạt cảnh Thất Sơn vào một ngày tháng mười: Ngày này ở Thất Sơn/ Lúa ruộng bưng nhấp nhô bậc thang hy vọng/ Xanh tới đỉnh Cấm Sơn/ Lễ hội Dolta năm nay cờ xí rập rờn/ Vọng tiếng nhạc ngũ âm râm ran vũ điệu/ Ngày này ở Thất Sơn/ Đồng mênh mông xôn xao mặt trời/ Đỏ lựng vòm núi nhấp nhô sóng nước/ Em gái Khmer xênh xang váy mượt/ Dự hội đua bò/ Thách thức những chàng trai (Ngày này ở Thất Sơn).

Núi quê nhà mọc lên từ đồng bằng phương Nam hai mùa mưa nắng, thơ Trần Thế Vinh cũng lặn lội cánh đồng. Trong bài Lục bát hai mùa, có câu chuyện này: Một mùa lụt nữa đi qua/ Nắng không đủ ấm lạt nhà buộc chung/ Vớt lên tay khoảng đất bùn/ Gặp đôi cò trắng còng lưng tìm mồi. Còn đây là một đêm trăng mùa nước nổi dưới chân dãy Thất Sơn: Nước đồng cắt mặt trời xanh/ Chênh vênh dáng núi. Chòng chành bóng trăng/ Đêm vờn đuổi sóng lăn tăn/ Nửa soi mặt lũ, nửa hằn vết mây/ Trăng nghiêng xuống vai em gầy/ Đắm mình trên chiếc xuồng cây bềnh bồng/…Núi cao. Cao dáng mỏi mòn/ Trăng chênh chếch sáng giữa vòm nước đêm (Trăng mùa lũ).

Những dòng thơ trên rút từ tập thơ thứ 9 của nhà thơ Trần Thế Vinh, Núi và lục bát hiên sông, do NXB Hội Nhà văn và Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật An Giang ấn hành vào tháng 12.2012.

Huỳnh Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.