Tuy nhiên, có một cách hiểu khá thông dụng cho rằng thổ còn có nghĩa là “đĩ”. Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học do Hoàng Phê chủ biên có ghi nhận thổ như là một từ cũ và giảng là “gái mại dâm trong xã hội cũ [hàm ý khinh]”. Trước đó, Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức đã ghi nhận nhà thổ và giảng là “nhà đĩ”, rồi ở phần chữ cái “T” thì ghi nhận thổ với lời giảng theo nghĩa “đĩ điếm”. Nhưng thổ [土] tuyệt nhiên không có cái nghĩa nào trực tiếp liên quan đến khái niệm “gái điếm” cả. Nếu có thì đó cũng chỉ là một thao tác “gá nghĩa” mà thôi. Nó chỉ liên quan đến danh ngữ thổ xướng gia [土娼家] của tiếng Hán.
Vậy xướng [娼] là gì? Đây là một đồng nguyên tự (chữ cùng gốc) với hai chữ [唱] và [倡], đều đọc là xướng và có nghĩa gốc là “ca, hát” (nên mới đi với bộ khẩu [口] thành [唱]), rồi “người ca hát” (nên mới đi với bộ nhân [亻] thành [倡]) và vì người ca hát trong các kỹ viện, tửu lâu thời xưa, nói chung đều là nữ nên khái niệm này mới được cụ thể hóa bằng chữ xướng [娼] bộ nữ [女]. Cuối cùng thì vì ca nữ nhiều khi cũng “kiêm nhiệm” chức năng của kỹ nữ nên chữ xướng [娼] đã mang cái nghĩa chính thức là “gái điếm”. Ở đây, thổ có nghĩa gốc là “thuộc về địa phương” nên tại một số nguồn trên mạng thổ xướng đã được dịch theo từng từ sang tiếng Anh thành “local prostitute[s]” (điếm “sở tại”). Còn cái nghĩa chính xác của danh ngữ này là “unlicensed prostitute” (điếm không có giấy phép), “unregistered prostitute” (điếm không đăng ký). Vì vậy những gái điếm này còn được gọi là tư xướng [私娼], tức “điếm chui”, “điếm lén” - trước đây ngôn ngữ bình dân trong nam gọi là đĩ lậu - hành nghề không có phép, không đóng thuế và không đi lục xì, để phân biệt với công xướng [公娼], là những gái điếm có đăng ký và được nhà cầm quyền cho phép. Cứ như trên thì thổ xướng đồng nghĩa với tư xướng và có nghĩa là “gái mại dâm chui”, “gái mại dâm lén”. Nơi hành nghề của gái mại dâm chui, tức của thổ xướng, là thổ xướng gia [土娼家] và đây chính là cái ngữ đoạn danh từ được chuyển ngữ sang tiếng Việt thành nhà thổ.
Tại hồi thứ 19 của truyện Lão Tàn du ký [老殘遊記], nói về hành động của nhân vật Hứa Lượng, tác giả Lưu Ngạc có kể rằng y “tựu đáo giá thổ xướng gia” [就到這土娼家], nghĩa là y “bèn đến thổ xướng gia này”. Ở đây, thổ xướng gia cũng đã được chuyển sang tiếng Việt thành “nhà thổ” (xin xem Lão Tàn du ký, Trần Văn Chánh dịch, NXB Văn nghệ TP.HCM, 1989, tr. 258).
Vậy nhà thổ là “dịch phẩm” từ thổ xướng gia của tiếng Hán nên thổ vốn không hề có nghĩa là “điếm”.
Bình luận (0)