Ngay trước đó thôi, Nga còn khẳng định quan điểm sẽ phủ quyết ông Guterres vì ủng hộ một ứng cử viên, tốt nhất là nữ, đại diện của một quốc gia ở khu vực Đông Âu. Ông Guterres không đáp ứng được những tiêu chí này của Nga bởi còn là người Bồ Đào Nha. Nó còn gây bất ngờ bởi mối quan hệ giữa Mỹ và Nga cũng như giữa EU, NATO và Nga hiện trắc trở.
Vì thế, sự nhượng bộ trên chắc chắn phải có nguyên do ở cái giá mà Mỹ, Anh và Pháp phải trả cho Nga. Công bằng mà nói thì nhìn chung ông Guterres là ứng cử viên sáng giá nhất. Mấy ứng cử viên nam giới từ Đông Âu không được Mỹ hoặc Anh ủng hộ. Còn ứng cử viên nữ thì lại không được Nga sủng ái. Mặt khác, chắc Nga vẫn có chủ ý giữ cầu nối quan hệ với Mỹ bất chấp những gì vừa xảy ra. Cho nên ông Guterres mới không bị Nga phủ quyết.
Đổi lại, rất có thể Mỹ, Anh và Pháp sẽ phải chấp nhận một số đề cử nhân sự của Nga vào những chức danh quyền lực khác của Liên Hiệp Quốc. Đã từ lâu rồi, Nga và Trung Quốc đã vận động để đại diện của Nga phụ trách Tổng vụ Chính trị của Liên Hiệp Quốc mà suốt 2 nhiệm kỳ liền do đại diện của Mỹ nắm giữ. Còn Trung Quốc nhằm vào cương vị lãnh đạo Tổng vụ Các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc hiện do đại diện của Pháp quản lý.
Lần nào cũng vậy, bầu chọn Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc trong thực chất luôn là chuyện “đi đêm” giữa các ủy viên thường trực Hội đồng bảo an. Bồ Đào Nha là thành viên NATO. Vì thế, cái giá trả cho Nga chắc chắn phải rất đắt thì Nga mới nhượng bộ không phủ quyết ông Guterres.
Bình luận (0)