Thỏa thuận dầu khí với Philippines, Trung Quốc sẽ là bên thắng cuộc

06/03/2018 08:00 GMT+7

Giáo sư Carl Thayer tại Đại học New South Wales, Canberra (Úc) cảnh báo về nguy cơ từ kế hoạch thăm dò dầu khí chung của doanh nghiệp Philippines với công ty nhà nước Trung Quốc.

Chính phủ Philippines vừa công bố 2 lô ở Biển Đông mà doanh nghiệp nước này có thể sẽ được phép tiến hành thăm dò dầu khí chung với công ty nhà nước Trung Quốc, trong đó có một lô thường xuyên là chủ đề tranh chấp giữa Manila và Bắc Kinh.
Giáo sư Carl Thayer tại Đại học New South Wales, Canberra (Úc) dành cho Thanh Niên cuộc phỏng vấn độc quyền nhằm phân tích những khía cạnh lợi hại của việc hợp tác cũng như khả năng ảnh hưởng đến tình hình chung trong khu vực.
Ông nhận định động thái này sẽ ảnh hưởng ra sao đối với tình hình trên Biển Đông?  Nếu thỏa thuận được thông qua thì sẽ đem lại lợi ích cho ai và sẽ gây thiệt hại cho bên nào?
Thỏa thuận thăm dò chung nào của các công ty thương mại dầu khí Philippines và Trung Quốc tại lô 57 đều là chuyện của hai bên. Tuy nhiên, nếu Philippines tiếp tục trao lô 72 nằm trong vùng tranh chấp ở Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) cho một công ty Trung Quốc, điều này có thể ảnh hưởng đến tính pháp lý của phán quyết do Tòa trọng tài quốc tế ban hành năm 2016 (về việc không công nhận đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc).
Bằng cách này, Trung Quốc sẽ làm giảm sức ảnh hưởng của các tuyên bố về chính sách mà Mỹ, Ấn Độ, Nhật và Úc kêu gọi về việc thực thi phán quyết của Tòa trọng tài mà Philippines kiện Trung Quốc.
Tại lô 57 thì đây sẽ là thỏa thuận thương mại giữa 2 tập đoàn dầu khí. Về lý thuyết thì hai bên sẽ hưởng lợi. Tuy nhiên, vấn đề lô 72 thì phức tạp hơn vì đây là khu vực tranh chấp. Trước khi hợp đồng được đưa ra và ký kết thì không thể biết họ thỏa thuận gì và liệu Philippines có bị ảnh hưởng gì về chủ quyền hay không. Tại cả 2 lô, Trung Quốc luôn là bên thắng cuộc vì Bắc Kinh luôn thúc đẩy thăm dò chung song phương. Điều này sẽ khiến vị trí của Trung Quốc được hợp pháp hóa và gây áp lực đối với Việt Nam, Malaysia và thậm chí Indonesia. Brunei thì đã giao một lô trong vùng đặc quyền kinh tế cho công ty Trung Quốc.
Ông có nghĩ rằng thỏa thuận nếu được thông qua sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm khiến Trung Quốc có thể vươn xa hơn đến những vùng biển tranh chấp khác ở Biển Đông không?
Nhất định là vậy rồi. Trong trường hợp của Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte đang quan tâm đến lợi ích kinh tế trước mắt từ Trung Quốc. Ông Duterte không hành động theo tinh thần đoàn kết của các nước khu vực vốn cũng là thành viên ASEAN. Trong quá khứ, việc Trung Quốc kêu gọi cùng thăm dò luôn bị bác bỏ. Nay Trung Quốc có thể có được cán cân chính trị to lớn để gây áp lực đối với các nước trong khu vực.
Theo ông, các nước khẳng định chủ quyền trong các khu vực có tranh chấp ở Biển Đông nên làm gì trước động thái mới về khả năng hợp tác giữa Philippines và Trung Quốc?
Các nước này chỉ có thể tác động bằng hình thức ngoại giao để thông báo với Philippines rằng hành động của nước này có thể tác động đến lợi ích của họ ra sao. Các nhà ngoại giao ASEAN ở Manila nên hành động từ bây giờ để theo dõi các cuộc thảo luận giữa Philippines và Trung Quốc. Đồng thời, Bộ Ngoại giao mỗi nước nên soạn tài liệu tham vấn chính phủ về lợi hại cũng như nguy cơ từ việc thăm dò chung. Nếu Philippines vẫn cứ tiếp tục thì sẽ mở thêm một con đường lớn cho Trung Quốc thực hiện mưu đồ thống trị ở Biển Đông về quân sự, chính trị, ngoại giao và thương mại.
Xin cảm ơn ông!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.