Thỏa thuận ngũ cốc của Ukraine trở nên bấp bênh

11/03/2023 06:33 GMT+7

Tương lai của thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua biển Đen trở nên khó lường sau những động thái mới của các bên.


AFP đưa tin Nga và LHQ dự kiến sẽ họp tại Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 13.3 về việc gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine.

Kể từ khi thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc biển Đen (BSGI) được ký kết vào tháng 7.2022 nhờ vai trò trung gian của LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ, hơn 23,7 triệu tấn ngũ cốc đã được xuất khẩu qua tuyến đường biển này. Thỏa thuận giúp giảm khủng hoảng lương thực toàn cầu và sẽ tự động gia hạn vào ngày 18.3 tới, trừ khi Moscow hoặc Kyiv phản đối.

Thỏa thuận ngũ cốc của Ukraine trở nên bấp bênh  - Ảnh 1.

Tàu hàng chờ kiểm tra tại Thổ Nhĩ Kỳ theo thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc

Reuters

Mong muốn của các bên

Nga tuyên bố sẽ chỉ đồng ý gia hạn nếu những hạn chế ảnh hưởng việc xuất khẩu của nước này được dỡ bỏ. Phương Tây không cấm vận Nga xuất khẩu lương thực và phân bón. Tuy nhiên, theo Reuters, Nga cho biết những lệnh cấm vận quốc tế đối với lĩnh vực thanh toán, hậu cần và bảo hiểm đang cản trở việc xuất khẩu những hàng hóa này.

"Nếu thỏa thuận chỉ được tuân thủ một nửa thì chuyện gia hạn trở nên rất phức tạp. Các nước phương Tây, Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU), tuyên bố không cấm vận lương thực và phân bón, nhưng quan điểm này là không trung thực", theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu và phân tích rằng trên thực tế, các lệnh cấm vận ngăn tàu Nga chở ngũ cốc và phân bón cập các cảng đến, cũng như ngăn tàu nước ngoài cập cảng Nga lấy hàng.

Xem nhanh: Ngày 379 chiến dịch, Nga bắn nhiều tên lửa bội siêu thanh; tướng Ukraine quyền lực nhất là ai?

Về phía Kyiv, Chánh văn phòng Andriy Yermak của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết thỏa thuận trên nằm trong kế hoạch chấm dứt chiến sự và cần duy trì vô thời hạn.

"Ít nhất, nó phải được gia hạn thêm một thời gian như trước", ông phát biểu và cho rằng bất cứ đề xuất chấm dứt thỏa thuận nào cũng sẽ gây áp lực cho các bên trung gian. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh rằng việc xuất khẩu lương thực và phân bón từ Ukraine và Nga đều có ý nghĩa quan trọng đối với giá lương thực và an ninh lương thực toàn cầu. Hiện Tổng thư ký Hội nghị LHQ về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) Rebeca Grynspan đang tích cực thúc đẩy việc dỡ bỏ những trở ngại đối với việc xuất khẩu phân bón của Nga.

Lo ngại tên lửa Nga

Liên quan chiến sự, trang Kyiv Independent ngày 10.3 dẫn thông cáo của quân đội Ukraine cho hay phía Nga phóng tổng cộng 95 tên lửa trong đợt tấn công ồ ạt vào một ngày trước đó. Lực lượng Ukraine bắn hạ 34 tên lửa và 4 máy bay không người lái (UAV). Ngoài ra, phía Nga còn tổ chức 31 cuộc không kích và 65 cuộc tấn công bằng rốc két phóng loạt vào cùng ngày, gây mất điện khẩn cấp và thiệt hại về hạ tầng. Theo cố vấn Alexander Rodnyansky của Tổng thống Zelensky, hệ thống phòng không của Ukraine không thể đương đầu với một số tên lửa Kinzhal của Nga.

Nga có đủ nguồn lực tiếp tục chiến dịch ở Ukraine thêm 2 năm nữa?

"Họ đang dùng tên lửa bội siêu thanh, những loại vũ khí mới và họ thấy rằng hệ thống phòng không của chúng tôi không đương đầu nổi", Đài CNN dẫn lời ông cho biết. Trong khi đó, Viện Nghiên cứu chiến tranh (Mỹ) nhận định rằng đợt tấn công tên lửa ồ ạt "dường như chỉ nhằm phục vụ cho những mục tiêu tuyên truyền của Nga".

Nga chưa bình luận về những thông tin trên. Hãng TASS ngày 10.3 dẫn lời trung tá về hưu Andrey Marochko của lực lượng dân quân "Cộng hòa Nhân dân Luhansk" tự xưng cho hay lực lượng Ukraine đang tập trung lực lượng và phản công ở mặt trận Bakhmut nhưng không thành công. Trong một diễn biến khác, Phó đại diện thứ nhất của Nga tại LHQ Dmitry Polyansky cho rằng NATO sẽ liên quan trực tiếp xung đột tại Ukraine nếu cung cấp tiêm kích cho Kyiv.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.