Thỏa thuận thương mại: Cuộc mặc cả khó khăn

09/10/2016 09:00 GMT+7

Thiếu sự dẫn đầu rõ ràng của Mỹ, các chương trình thương mại toàn cầu đang lúng túng.

Roberto Azevedo, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) không phải là kiến trúc sư của các thương vụ thương mại toàn cầu lớn như chức danh của ông mang lại. Ngồi tại trụ sở ở Geneva (Thụy Sĩ), ông nhớ rõ cái cách mà vòng đàm phán Doha của WTO sụp đổ vì sức nặng từ chính tham vọng của nó. “Hãy thực hiện những thỏa thuận thương mại trong tầm với”, ông nói.
Quá tham vọng không phải là vấn đề duy nhất. Ông Azevedo cho hay: “Quan điểm chống thương mại rất lọt tai”. Nó lọt tai đến mức ảnh hưởng sang nhiều hiệp định ngoài WTO. Các thỏa thuận thương mại khu vực của thế giới ồ ạt đến vào giữa thời điểm mà lời động viên trở nên tối cần thiết: Ngày 27.9, lần đầu tiên trong 15 năm, WTO dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu chỉ ở mức 1,7%, không theo kịp với mức tăng GDP thế giới.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - thỏa thuận thương mại giữa Mỹ, Nhật Bản và 10 quốc gia khác ở Thái Bình Dương - được ký hồi tháng 2 nhưng hiện giờ đang sa sút. Hôm 26.9, ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ Hillary Clinton và Donald Trump vừa thể hiện quan điểm không ủng hộ TPP trong cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên trên truyền hình. Ông Trump cho rằng TPP “gần như là xấu hệt như NAFTA” (Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ). Đây thỏa thuận có hiệu lực từ năm 1994 và được ông xem là điều tồi tệ nhất từng xảy ra với ngành sản xuất Mỹ.
TPP là câu chuyện nhận được nhiều ý kiến trái chiều trong số ít người Mỹ từng nghe về hiệp định. Tuy vậy, Tổng thống Mỹ Barack Obama muốn thúc đẩy nó vào cuối năm nay. Tại Quốc hội, ông Obama sẽ phải đối mặt với hỗn hợp nhiều quan điểm chính trị và mối quan tâm sâu sắc.

tin liên quan

'Hãy giúp lao động Mỹ. Hãy thông qua TPP'
Bài viết dưới đây là góc nhìn của Michael R. Bloomberg và Thomas J. Donohue. Ông Michael R. Bloomberg là cựu Thị trưởng thành phố New York, nhà sáng lập kiêm chủ sở hữu phần lớn Bloomberg LP, công ty mẹ hãng tin Bloomberg.
Liên minh châu Âu (EU) cũng đang “nghẹt thở” với vấn đề thỏa thuận thương mại riêng của họ. Sau cuộc biểu tình mạnh mẽ chống Hiệp định Kinh tế và Thương mại Toàn diện (CETA) - thỏa thuận thương mại giữa EU và Canada - cuộc họp phi chính thức của các bộ trưởng thương mại EU diễn ra tại Bratislava (Slovakia) hôm 23.9 nhằm mở đường cho hiệp định. Song nó có thể bị ảnh hưởng nếu có bất kỳ thành viên EU nào từ chối phê duyệt. Hiện người Áo có vẻ rất miễn cưỡng.
Nếu CETA là mỏng manh thì Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP) - thỏa thuận vẫn đang trên đà tiến hành giữa EU và Mỹ - đang thất bại. Loạt đàm phán diễn ra với tốc độ rất chậm. Lựa chọn rời EU của Anh, làm suy yếu ảnh hưởng của EU, khiến người Mỹ càng khó đáp ứng nhiều lo ngại của châu Âu. Cuộc bầu cử tại Pháp và Đức sắp diễn ra còn khiến những cuộc biểu tình chống TTIP khó bị bỏ qua. Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmstro cho hay nếu thỏa thuận không được tiến hành trước thời điểm cuộc bầu cử tổng thống kế tiếp được khởi động, “sẽ có một khoảng dừng tự nhiên”. Sự “hồi sinh” của hiệp định sẽ không xảy ra ngay.
Hỗn hợp của vận động chính trị cơ hội và sự hoài nghi của cử tri là nguyên do ngăn chặn quá trình thực hiện các thỏa thuận. Song còn nhiều lý do khác biến tự do hóa thương mại trở thành ý tưởng khó chấp nhận. TPP làm giảm một số loại thuế song phương, đơn cử như thuế đánh lên ô tô nhập khẩu của Mỹ và thịt bò của Nhật Bản. Song vì thỏa thuận góp mặt các thành viên thuộc NAFTA (Mỹ, Canada, Mexico) và bốn nước khác mà Mỹ vốn có hiệp định thương mại tự do song phương, phần lớn TPP chú trọng vào hàng rào phi thuế quan “sau biên giới”, hay nói cách khác là việc hài hòa các quy định, loại bỏ những đặc quyền với doanh nghiệp nhà nước hoặc bảo vệ tài sản trí tuệ. Những vấn đề này phức tạp hơn là đàm phán cắt giảm thuế theo kiểu cũ. Nó chắc chắn lấn vào vùng được bao hàm bởi pháp luật từng nước.
Một người phản đối hiệp định TTIP Reuters
Trong cả TTIP và TPP, quy định giải quyết tranh chấp đầu tư quốc doanh đặc biệt gây tranh cãi. Nó thiết lập hệ thống để giới đầu tư nước ngoài khởi kiện chính phủ một nước nếu họ phạm giới hạn tiêu chuẩn công bằng. Những người phản đối cho rằng đây là cách để những “con mèo béo” doanh nghiệp khởi kiện chính phủ vì những thứ mà họ không thích. Christian Odendahl, nhà kinh tế tại viện chính sách Trung tâm Cải cách Kinh tế châu Âu, cho hay điều khoản gây tranh cãi trong TTIP có thể là sai lầm. Hệ thống pháp luật ở Mỹ và châu Âu đủ tiên tiến để các nhà đầu tư không cần thêm sự chắc chắn về mặt pháp lý.
Tác động thương mại ngắn hạn của việc TPP hay TTIP sụp đổ sẽ không quá lớn, vì hai thỏa thuận tâp trung vào việc thiết lập quy tắc chứ không phải là loại bỏ thuế quan. Song nó đồng nghĩa với việc Mỹ lùi lại trên cương vi lãnh đạo tự do hóa thương mại thế giới. Ông Obama từng nói rằng TPP cần thiết nếu nước Mỹ, chứ không phải là Trung Quốc, là cái tên thiết lập luật thương mại cho thế kỷ 21.
Chương trình nghị sự thương mại do Trung Quốc dẫn đầu sẽ ít tham vọng hơn so với chương trình do người Mỹ dẫn dắt. Kỳ vọng cho các quy tắc toàn cầu bao gồm vấn đề công đoàn thương mại, cạnh tranh từ doanh nghiệp nhà nước và sự di chuyển tự do của dữ liệu sẽ mờ nhạt, nhường chỗ cho chuyện cắt giảm thuế quan. Sự chú ý sẽ chuyển sang Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), thỏa thuận truyền thống hơn giữa 10 thành viên thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và sáu nước, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản.

tin liên quan

'Uy tín của Mỹ sẽ bằng 0 nếu TPP thất bại’
Sự bế tắc chính trị của Mỹ về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là “thảm họa”, có thể thành trở ngại đáng kể cho sự góp mặt của Mỹ ở châu Á. Đây là ý kiến của một học giả về Trung Quốc.
Tuy nhiên, RCEP sẽ thu hoạch thêm nhiều quả ở cành thấp của thương mại thế giới. Các nước thành viên RCEP chiếm 36% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2015, nhiều hơn so với mức 28% của TPP. Hàng rào thuế quan của các thị trường mới nổi cao hơn nhiều so với của các nước phát triển. Đơn cử, Trung Quốc vẫn có mức thuế quan trung bình 10%, nhiều hơn 5% của châu Âu và dưới 4% ở Mỹ. Vì vậy hiệu quả tức thì dành cho nền kinh tế nếu hạ thấp hàng rào thuế sẽ cao hơn.
Với WTO, giờ đây tổ chức sẽ thúc đẩy những thỏa thuận “đa phương”. Các thỏa thuận này sẽ góp mặt đủ số thành viên WTO để được xem là lớn nhưng vẫn không đến mức có toàn bộ 164 thành viên. WTO vừa đạt được một số thành công trong tháng 9, chẳng hạn như chuyện Trung Quốc bắt đầu giảm thuế quan đối với hàng hóa công nghệ theo một phần của Hiệp định Công nghệ Thông tin đa phương hồi tháng 9.
Chuyện TPP và TTIP chẳng may thất bại có thể tạo cơ hội cho WTO tái xuất với vị trí diễn đàn chính cho các chương trình thương mại tự do hóa. Song việc quay lại với tầm nhìn đầy tham vọng trong quá khứ là khó khăn. Ông Azevedo có thể mường tượng việc WTO thúc đẩy một thỏa thuận thương mại toàn cầu, song chỉ trong trường hợp mong đợi được hạ xuống từ Doha. Hơn hết, chính trị cần thay đổi. Rất ít lãnh đạo trên thế giới nỗ lực nhiều để dẹp ý kiến chống thương mại. Trong khi Tổng giám đốc WTO cho rằng: “Bạn phải lên tiếng vì thương mại”, ông Trump đang bảo vệ chủ nghĩa bảo hộ còn bà Clinton có lẽ sẽ chuyển chủ đề.

tin liên quan

Tỉ phú Donald Trump lại chê Hiệp định NAFTA
Ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tăng gấp đôi nỗ lực “công phá” các thỏa thuận thương mại của Mỹ, nhà sản xuất ô tô Ford và hãng điều hòa không khí Carrier.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.