Thoại Ngọc Hầu qua những phát hiện mới:

Thoại Ngọc Hầu và việc khẩn hoang làng Vĩnh Tế

11/07/2023 06:54 GMT+7

Năm 1821, Thoại Ngọc Hầu được bổ nhiệm làm Án thủ đồn Châu Đốc. Từ đây, ông gắn bó đến hết đời với miền biên cương Tây nam của đất nước. Từ đồn Châu Đốc nhìn về hướng nam là ngọn núi Sam sừng sững. Ngọn núi đã được Thoại Ngọc Hầu chọn làm nơi gửi nắm xương tàn.

Năm 1820, Trịnh Hoài Đức đã tả núi Sam "ngọn chòm lởm chởm, đầu sống nghênh ngang, nhường như Tử Kiều chơi núi Hà Sơn hóa thành đá", "rừng xanh rậm rạp, dưới có đá thủy tinh". Bia Phụng đặc tứ danh Vĩnh Tế sơn bi ký thì tả: "Sau đồn có núi gọi là núi Sam, là tên tục vậy. Nơi đây chằm ao, rừng rú mênh mông rậm rạp, cũng là chỗ thổ nhân, Khách, Lão ngụ cư. Tuy có cảnh đẹp chuyện hay, nhưng cũng vẫn là nơi rừng sâu, đá loạn, nổng gò mà thôi".

Thoại Ngọc Hầu và việc khẩn hoang làng Vĩnh Tế - Ảnh 1.

Mặt tiền khu mộ Thoại Ngọc Hầu năm 1931

T.L TRẦN HOÀNG VŨ

Cũng văn bia này cho biết, Thoại Ngọc Hầu đã cho khai khẩn vùng chân núi: "Từ ngày dọn dẹp cỏ gai trở đi, rành rành chân núi trắng phau, trọi trọi ngọn tre xanh ngắt, cảnh núi trở nên tươi đẹp, sừng sững vọt lên. Ngắm dòng nước biếc bên bờ cao, ruộng vườn bao quanh chân núi, hơi lam tuôn cuốn lẫn khói nấu cơm, chùa chiền trên chót hương tỏa mây lồng, thật không kém gì khung cảnh trung châu". Thoại Ngọc Hầu bèn vẽ bản đồ vùng này dâng lên. Nhà vua bèn dựa vào tên vợ của ông là phu nhân Châu Thị Tế, "lấy tên người đặt làm tên núi, gọi là núi Vĩnh Tế". Ta biết rằng cuối năm Gia Long thứ 18 (1819), khi chuẩn bị đào kênh nối Châu Đốc - Hà Tiên, nhà vua đã ban tên cho nó là sông Vĩnh Tế. Sông Vĩnh Tế, núi Vĩnh Tế là cơ sở để ngôi làng lập ra tại đó cũng lấy tên là Vĩnh Tế Sơn.

Một văn kiện tranh chấp đất đai vùng kinh Vĩnh Tế cũng xác nhận quy trình khẩn đất lập làng từ thời Nguyễn Văn Thoại. Thoạt tiên Thoại Ngọc Hầu chỉ có giấy sai các địa phương chiêu dân lập làng và khai khẩn. Đến khi thành nghiệp mới có đơn lên xin trưng khẩn chính thức. Tuy nhiên, trong quá trình này, các thôn đôi khi cũng nảy ra tranh chấp. Tư liệu châu bản có một tờ bẩm của thôn Vĩnh Tế Sơn nói rõ một trường hợp như thế:

"Tuy Biên phủ, Tây Xuyên huyện, Châu Phú tổng, Vĩnh Tế Sơn thôn Lý trưởng Nguyễn Văn Xa khấu đầu bẩm xin về việc lập sổ. Ngày tháng 6 năm nay có đơn thưa rằng trộm thấy bên mé hữu sông Vĩnh Tế có một khoảng đất hoang nhàn [mất mấy chữ] tên là Hồ Cựa Gà, tây có Trà Cô báng, nam có Vượt Lục Cựa Gà, bắc có Bàu Đá. Đông tây tứ cận đều có ranh giới, xin được trưng làm hai sở sơn điền hạng ba, sang năm nộp thuế. Đã giao về cho quan phủ khám thực bẩm trình để xử lý. Nay căn cứ theo quan phủ bẩm lại: đất ấy vốn là địa phận thôn Vĩnh Nguơn, toàn là cỏ dại, chưa có cày bừa, chỉ có dân cư cắt cựa gà, vãi mấy công lúa mà thôi. Nhưng tra ra đất ấy vào ngày tháng 6 thôn Vĩnh Nguơn đã có đơn trưng gửi đến tỉnh, đã giao cho phủ khám xét. Nay đơn trưng của Nguyễn Văn Xa gửi đến tuy kê ranh giới bốn bề có tên khác hẳn, nhưng thực cũng ở trong địa phận mà thôn Vĩnh Nguơn đã xin trưng khẩn.

Thoại Ngọc Hầu và việc khẩn hoang làng Vĩnh Tế - Ảnh 2.

Tờ bẩm của thôn Vĩnh Tế Sơn

Vả dân đất ấy là chú Nguyễn Văn Thạnh đã được viên Bảo hộ tiền nhiệm là cố Nguyễn Văn Thoại cho giấy tờ sai gọi dân về cư trú, khai khẩn điền địa, lấy đầm ao để làm sinh kế. Từ đó tới nay đã chiêu tập các sắc dân tới dựng nhà, khai khẩn vừa thành thục. Hồi ngày mồng một tháng 6 dân đã tới tỉnh đưa đơn trưng chiếm đất ấy. Lần này thôn trưởng Trang, lý trưởng Say của thôn Vĩnh Nguơn nổi lên lòng tham muốn chiếm đoạt, mưu cùng Phiên ty thư lại Nguyễn Bảo Định tạo đơn trưng đất ấy làm một sở sơn điền hạng ba, ba năm sau sẽ nạp thuế, còn đơn xin trưng của dân thì yểm đi không cứu xét. Rồi tới ngày tháng 8, dân lại đưa đơn xin trưng. Thế thì dân thôn đã có đơn xin trưng trước. Nay bẩm rõ, cúi xin Bố chánh sứ đại nhân các hạ xét soi, phê xuống cho dân tường. Năm nay viên lại ấy đem thuế của hai sở sơn điền hạng ba ấy nộp thuế theo thôn Vĩnh Nguơn. Năm sau sẽ y lệ giao nạp, chiêu dân lập thành thôn ấp. Vạn lần trông cậy bái lạy, bẩm qua".

Thôn Vĩnh Tế Sơn và thôn Nhơn Hòa chỉ là hai trong số nhiều thôn được lập ra dưới thời cai trị của Thoại Ngọc Hầu. Sử sách triều Nguyễn ghi rằng: vào năm 1827, Thoại Ngọc Hầu báo cáo đã lập được 20 xã, thôn và cho dân vay 1.900 quan tiền và 1.500 phương gạo công làm vốn. Nhưng vì dân chúng còn nghèo, không đủ sức chi trả số nợ ấy, Thoại Ngọc Hầu bèn xuất của nhà ra giúp dân trả nợ cho nhà nước.

Vua Minh Mạng đã phán rằng: "Thoại làm như thế là tôn trọng của nhà nước đấy. Nhưng nghĩ những dân ấy mới chiêu tập đến, sinh lý chưa thừa, nay bắt Thoại đền, lòng trẫm không nỡ như thế. Hơn nữa, Thoại ở biên thùy lâu ngày, dân tình thỏa hiệp, tiền gạo trả bồi ấy thì đúng số trả lại cho, có thể xem như của trẫm khen thưởng đấy". 

(còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.