Hội thảo cùng chủ đề do Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) tổ chức sáng 12.6 tại Hà Nội.
Vẫn lúng túng trong hài hòa các mục tiêu
Từ thực tiễn triển khai bán vốn tại các công ty cổ phần do Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) làm đại diện phần vốn nhà nước, ông Lê Song Lai, Phó tổng giám đốc SCIC thừa nhận vẫn còn nhiều lúng túng trong việc cân nhắc, hài hòa giữa các mục tiêu tối đa hóa số tiền thu về cho cổ đông nhà nước với việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược giúp cho phát triển doanh nghiệp.
TS Nguyễn Quang Trung, Đại học RMIT Việt Nam, nhận xét nhà đầu tư chiến lược có vai trò rất quan trọng với sự phát triển của doanh nghiệp, do đó, cần phải có cách tiếp cận linh hoạt trong việc lựa chọn nhà đầu tư. Với công ty lớn, phải ưu tiên chọn cổ đông chiến lược, không nên chỉ nhắm đến mục tiêu bán được với giá cao. TS Trung gợi ý nên dựa vào hồ sơ để chọn nhà đầu tư có truyền thống bảo vệ thương hiệu bản địa tốt.
Ông Nguyễn Trọng Dũng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp nhìn nhận “nếu mục tiêu chỉ để thu được tiền (giá càng cao càng tốt) thì dễ, nhưng ta phải hướng đến mục tiêu dài hạn hơn, trong đó có cả vấn đề Nhà nước có thể phải giữ lại một tỷ lệ nhất định không phải là 31% mà là 36% để có tiếng nói phủ quyết cuối cùng”. Ông giải thích trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, Nhà nước không nên chỉ đặt mục tiêu vì tiền, mà cần chú ý đến các tiêu chí khác (ví dụ: vấn đề an sinh xã hội, giữ gìn thương hiệu quốc gia,...). Ông Dũng nhấn mạnh: “Cần chọn nhà đầu tư chiến lược có chung mục tiêu gắn kết với doanh nghiệp”.
Cần tầm nhìn dài hạn cùng nhà đầu tư chiến lược
PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược trong quá trình cổ phần hóa hoặc thoái vốn nhà nước có ý nghĩa quan trọng đối với mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp, ngành và cho cả nền kinh tế. Theo PGS Long, nếu như ở khu vực tư nhân, khi thực hiện các giao dịch mua bán, sáp nhập, họ thường chỉ quan tâm tới khoản thu tài chính ngắn hạn thì Nhà nước - với vai trò là chủ thể kiến tạo sự phát triển của quốc gia, cần có một tầm nhìn dài hạn và toàn diện hơn trong quá trình tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. “Bên cạnh việc cổ phần hóa, thoái vốn tại DNNN với mức giá hợp lý và không làm thất thoát tài sản, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến các yếu tố để đảm bảo sự phát triển bền vững thông qua việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược phù hợp”, ông Long nói.
Chuyên gia này cho rằng, trước hết, nhà đầu tư chiến lược cần có khả năng duy trì, phát triển ngành nghề kinh doanh chính và bảo vệ thương hiệu Việt. Do đó, để đảm bảo lựa chọn được nhà đầu tư phù hợp, Chính phủ cần thận trọng đánh giá lịch sử hoạt động của nhà đầu tư tiềm năng để phát hiện các tín hiệu không khả quan. “Ví dụ cần tìm hiểu về truyền thống thôn tính thương hiệu của nhà đầu tư đó trong quá khứ; hoặc kết quả phát triển kinh doanh dựa trên thương hiệu bản địa như tỷ lệ doanh thu của công ty đến từ thương hiệu địa phương họ đã mua lại”, ông Long gợi ý.
Một yếu tố quan trọng không kém, theo ông Long là nhà đầu tư chiến lược cũng cần có kinh nghiệm ở thị trường Việt Nam, từ đó đảm bảo có thể kế thừa và phát triển tốt các sản phẩm của doanh nghiệp sau cổ phần hóa, thoái vốn.
“Nhà nước cần phải nhận thức được vai trò quan trọng của các nhà đầu tư chiến lược và tạo môi trường để họ tham gia tích cực hơn vào điều hành hoạt động của doanh nghiệp. Cần có cơ chế cho phép nhà đầu tư chiến lược nắm giữ được một lượng cổ phần đủ lớn để có thể tạo ra sự ảnh hưởng có ý nghĩa tới hoạt động của doanh nghiệp”, PGS-TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Cũng tại hội thảo này, TS Nguyễn Quang Trung trình bày về kết quả Nghiên cứu ‘Tiến nhanh hơn - Các giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa Doanh nghiệp Nhà nước tại Việt Nam’ của Đại học RMIT Việt Nam. Theo nghiên cứu này, quá trình cổ phần hóa và thoái vốn còn diễn ra chậm chạp do cơ quan chủ quản chưa có động lực vì sợ ảnh hưởng đến nguồn thu. Chế độ ưu đãi cho lãnh đạo cũng như đội ngũ nhân viên của DNNN còn thiếu.
"Nếu như ở khu vực tư nhân, khi thực hiện các giao dịch mua bán, sáp nhập, họ thường chỉ quan tâm tới khoản thu tài chính ngắn hạn thì Nhà nước - với vai trò là chủ thể kiến tạo sự phát triển của quốc gia, cần có một tầm nhìn dài hạn và toàn diện hơn trong quá trình tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược".
PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) |
Bình luận (0)