Xu hướng này được bà Trương Minh Kiều, Chủ tịch UBND Q.5 (TP.HCM) nêu tại hội thảo góp ý về đề án Xây dựng nền công vụ TP.HCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024 - 2030 do UBND TP.HCM tổ chức sáng 4.4.
Bà Kiều cho biết, thời điểm này, có nhiều thay đổi về bộ máy, biên chế cùng với yêu cầu của chuyển đổi số vô tình tạo áp lực lớn cho công chức ở cấp chính quyền cơ sở. Ước tính khối lượng công việc tăng 2 - 3 lần so với thời kỳ trước. Đơn cử như làm thủ tục hành chính bình thường, công chức phải số hóa dữ liệu, đẩy nhanh tiến độ, có những việc phải làm hộ người dân.
Chủ tịch UBND Q.5 viện dẫn thời kỳ dịch Covid-19, động lực làm việc của công chức rất lớn, không cần mức tiền lương, tiền thưởng nhưng mọi người vẫn hết sức thực hiện. "Bởi vì công chức ở thời điểm đó thấy được trách nhiệm của mình, mỗi việc làm của mình sẽ tạo nên sức mạnh cộng đồng, cứu được người dân", bà Kiều nói thêm.
Thậm chí, khi TP.HCM giảm khoản chi tiền thu nhập tăng thêm để tăng chi phí cho hoạt động chống dịch, đội ngũ cán bộ, công chức không nề hà gì, sẵn sàng xông pha. "Chúng tôi nhận được sự tôn trọng, chia sẻ của người dân nên cực khổ mức độ nào cũng thỏa mãn vì được ghi nhận", bà Kiều giãi bày.
Thế nhưng ở thời điểm hiện nay, người dân đến làm thủ tục hành chính, nếu không đáp ứng được yêu cầu thì công chức ở bộ phận một cửa sẽ thường xuyên phải nghe câu "người dân, doanh nghiệp đang đóng thuế để trả tiền lương cho công chức".
Bà Kiều nói thêm, công chức nhận lương và thực hiện công việc của mình, mà theo quy định là chỉ được thực hiện những gì pháp luật quy định. Hơn nữa, hiện có xu hướng người dân nhìn vào vị trí của người công chức và nghi ngờ, đánh giá, khi có việc gì đó thì nâng quan điểm lên. "Chúng tôi cảm thấy không được tôn trọng khi ở vị trí nhân viên công vụ của nhà nước", bà Kiều nói.
Chủ tịch UBND Q.5 đề xuất, trong quá trình thực hiện đề án, TP.HCM sẽ được chủ động về lương và biên chế để đảm đương khối lượng công việc đang tăng lên. Đến khi hoàn thiện rồi thì mới bắt đầu tinh giản và thực hiện với mức độ mạnh hơn. Nếu phải tinh giản theo từng năm như hiện nay thì đội ngũ cán bộ, công chức sẽ không đáp ứng được.
Khi đã là cấp chính quyền rồi thì phải có thực quyền
Trong hơn 3,5 giờ diễn ra hội thảo, 13 ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý đánh giá tính cấp thiết của việc xây dựng nền công vụ đặc thù cho đô thị TP.HCM. TS Bùi Ngọc Hiền, Học viện Cán bộ TP.HCM, cho rằng cần nhìn nhận Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội giao nhiệm vụ cho TP.HCM chứ không phải là một đặc ân.
Để thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết 98 đề ra, việc xây dựng nền công vụ là yếu tố quyết định, chuyển đổi nền công vụ sang tâm thế khác để dẫn dắt, quản lý đưa thành phố phát triển.
GS Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana (Mỹ) nêu 3 điều kiện cần để xây dựng nền công vụ hiệu quả gồm: thu nhập của cán bộ phải đủ sống, đây là động lực; nâng cao công tác giải trình của bộ máy, công chức; tạo môi trường pháp lý cho cán bộ làm việc.
Ở khía cạnh pháp lý, GS Trần Ngọc Anh cho rằng, cần có cơ quan giải nghĩa pháp luật để tránh tạo ra điểm mờ khiến lãnh đạo khó quyết định. Đồng thời, cần phát huy vai trò của cơ quan tư pháp trong các cuộc thanh tra, kiểm tra để mang lại công lý trong môi trường công vụ. Mặt khác, vị giáo sư này cũng khuyến nghị luật hóa các vấn đề thí điểm, có cơ chế miễn trừ trách nhiệm khi cán bộ, công chức thực hiện đúng việc thí điểm.
Ở góc độ tổ chức bộ máy, TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội đề xuất mô hình 2 cấp chính quyền tại TP.HCM nhưng có nhiều cấp hành chính. Và khi đã là cấp chính quyền rồi thì phải có thực quyền, được quyết cái gì chứ không phải đề nghị, phải đi xin như hiện nay.
Trong tương lai, TP.HCM sẽ có nhiều đô thị và mỗi đô thị là một thành phố trực thuộc như TP.Thủ Đức, mỗi thành phố này là một cấp chính quyền và tăng tính độc lập hơn nữa. Bên trên các bộ máy này chủ yếu phục vụ 13 quận nội thành. "Các thành phố trực thuộc hoàn thành tự chủ, khi đó bộ máy sẽ rất gọn", TS Trần Du Lịch nhận định.
Về tổ chức biên chế, vị chuyên gia này nêu quan điểm thống nhất nền hành chính chứ không đồng nhất nền hành chính, không cào bằng về tổ chức, biên chế giống nhau giữa các địa phương. Riêng về công chức, TS Trần Du Lịch cho rằng cần thoát khỏi tư tưởng "sống lâu lên lão làng", bố trí công việc theo ngạch bậc mà chuyển sang bố trí theo năng lực.
Doanh nghiệp mong muốn chính sách ổn định
Ở góc độ cầu nối doanh nghiệp với chính quyền, bà Hồ Thị Quyên, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC), nói điều mà doanh nghiệp cần nhất là sự ổn định của chính sách vì nó liên quan đến chiến lược kinh doanh. Và điều mà họ ngán nhất là việc thay lãnh đạo là thay đổi luôn cả chính sách khiến chiến lược đầu tư của họ phải làm lại từ đầu.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp muốn sự minh bạch về thông tin dự án, sự rõ ràng, sự chắc chắn. "Họ không muốn được rút ngắn 1 - 2 ngày nhưng họ muốn sự chắc chắn là có được giải quyết hay không và khi nào có", bà Quyên nói và thêm rằng doanh nghiệp cần sự rõ ràng về trách nhiệm.
Với vai trò là công chức, bà Quyên nói bản thâm tâm đắc 6 chữ: muốn làm, làm được và được làm mà GS Trần Ngọc Anh (Đại học Indiana – Mỹ) phát biểu đầu hội thảo. Bởi theo bà Quyên, mỗi người đều có mong muốn được phụng sự xã hội và xác định giá trị bản thân; cần đặt công chức đúng vai trò, đúng chuyên môn để họ phát huy hết năng lực.
Bình luận (0)