Làng thanh niên lập nghiệp không chỉ phát triển đời sống kinh tế ở vùng cao, vùng biên giới mà còn góp phần củng cố thế trận an ninh quốc phòng, tham gia bảo vệ vùng biên.
tin liên quan
Sức sống ở làng thanh niên lập nghiệpLàng thanh niên lập nghiệp không chỉ phát triển đời sống kinh tế ở vùng cao, vùng biên giới mà còn góp phần củng cố thế trận an ninh quốc phòng, tham gia bảo vệ vùng biên.
Trộm cắp không còn bén mảng
|
Chủ tịch UBND xã Lùng Vai, ông Vương Văn Minh, chia sẻ trước khi làng Lùng Vai ra đời, thôn Cốc Lầy năm nào cũng xảy ra hàng chục vụ trộm cắp trâu bò của người dân. Bọn trộm cắp từ bên kia biên giới lợi dụng địa hình hiểm trở rừng già lẻn sang dắt trộm trâu bò đem đi giết thịt.
Có nhiều vụ, người dân phát hiện mất gia súc, công an xã huy động lực lượng truy đuổi, nhưng chưa một lần bắt được thủ phạm mà chỉ tìm lại được trâu, bò bị nhốt giấu ở những khu rừng già giáp đường biên.
Không chỉ vậy, người dân và chính quyền địa phương phải đấu tranh giữ đất khi những người hàng xóm của nước láng giềng thường trồng cây sa nhân, lấn sang phần đất của VN, vào rừng xẻ trộm gỗ hoặc nổ mìn đánh trộm cá suối.
“Tình hình an ninh trật tự thôn Cốc Lầy tương đối phức tạp khiến lòng dân không yên nên Tỉnh đoàn Lào Cai kiên trì khảo sát lập đề án và dùng mọi lý lẽ thuyết phục cấp trên phê duyệt xây dựng làng Lùng Vai, đưa thanh niên đến định cư, vừa sản xuất vừa góp phần gìn giữ an ninh trật tự”, anh Giàng Quốc Hưng, Bí thư Tỉnh đoàn Lào Cai, nói.
tin liên quan
Cô đảng viên trẻ năng độngTừ khi là sinh viên năm nhất, Tú vừa học giỏi, vừa hoạt động Đoàn - Hội sôi nổi. Tháng 7.2015, Tú nhận được học bổng tham gia trại hè văn hóa các nước Đông Nam Á kéo dài 3 tuần ở Thái Lan (do Trường ĐH Prince of Songkla tổ chức).
Sau nhiều năm nỗ lực, dự án xây dựng làng Lùng Vai đã khởi công vào ngày 19.2.2014. Sau hơn 3 năm triển khai xây dựng, làng Lùng Vai đã có diện mạo mới với hệ thống điện thắp sáng, trạm y tế và đường giao thông... dần được xây dựng hoàn chỉnh giúp hàng chục gia đình chuyển đến đây yên tâm lập nghiệp.
Cũng theo ông Vương Văn Minh, hiện đã có thêm nhiều hộ thanh niên viết đơn xin vào định cư nhưng vẫn còn chờ phải xét duyệt vì phải đi kèm với bố trí và bàn giao đất sản xuất. “Lợi ích dễ thấy nhất ở dự án đưa thanh niên đến định cư vùng biên giới là an ninh trật tự ở thôn Cốc Lầy đã êm hẳn. Có người dân ở đấy rồi thì bọn trộm cắp, kẻ xấu không còn dám bén mảng nữa, người dân không bị mất trộm trâu bò, tài sản như trước kia nữa”, ông Minh nói.
An cư trên rẻo đất biên cương
Làng Lùng Vai giờ đã là chốn an cư của hàng chục hộ gia đình thanh niên và cả những người dân trong diện di dân phòng chống lũ ống, lũ quét. Trên rẻo đất biên cương này, đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng có cuộc sống khấm khá, sung túc hơn nhờ sự định hướng, tư vấn, hỗ trợ về trồng trọt và chăn nuôi từ chính quyền địa phương và các đoàn thể.
Gia đình anh Chảo Láo Pú chuyển vào làng Lùng Vai được hỗ trợ tiền xây nhà, cấp đất trồng chuối, dứa. Qua 2 vụ trúng mùa, vợ chồng Pú đã có tiền đầu tư mua thêm dê giống. Gần 2 năm trước đây, Trung tâm phát triển khoa học công nghệ và tài năng trẻ (T.Ư Đoàn) đã chọn gia đình Pú hỗ trợ nuôi thử nghiệm giống dê cao sản có nguồn gốc từ châu Phi, kết hợp với giống dê bản địa. Có sự tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật, đến nay gia đình Pú đã cho ra đời thành công giống dê lai có sức đề kháng cao bệnh tật, khả năng chống chịu thời tiết vùng núi và sinh trưởng nhanh. Mô hình chăn nuôi dê của gia đình Chảo Láo Pú được chọn là điển hình để nhân rộng ra toàn làng.
“Chuyển đến nơi ở mới, cuộc sống và công việc làm ăn thuận lợi hơn nhiều. Vợ chồng có đất sản xuất và con cái đi học gần trường hơn”, đó là chia sẻ của anh Phàn Choảng Pú, hộ đang định cư ở làng Lùng Vai. Chuyển đến nơi ở mới, vợ chồng Pú được cấp diện tích đất để trồng chuối và cho thu nhập 100 - 200 triệu đồng/năm và nằm trong số những người có doanh thu cao nhất trong nghề trồng chuối...
tin liên quan
Phấn đấu 20% đoàn viên giao tiếp thành thạo bằng tiếng AnhTại đại hội Đoàn thanh niên cơ quan T.Ư Đoàn lần thứ 23 đã đặt ra mục tiêu: Đoàn cơ sở phấn đấu 20% đoàn viên giao tiếp thành thạo bằng tiếng Anh…
Trao đổi với Thanh Niên, bà Hà Thị Nga, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Lào Cai, chia sẻ mô hình làng thanh niên lập nghiệp với một lực lượng thanh niên đông như vậy rất phù hợp đưa vào đây những phương thức sản xuất mới, ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật. Cụ thể, ở làng Lùng Vai hiện nay đã hình thành những mô hình sản xuất với các giống cây trồng, vật nuôi đang có thế mạnh như: chuối, dứa, chăn nuôi dê, trâu bò và lợn... theo hướng tập trung sản xuất hàng hóa để phát triển làm giàu, thay vì tư duy sản xuất chủ yếu tự cung tự cấp từ bao đời nay, của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Ở dự án làng Lùng Vai, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo các cấp, các ngành ưu tiên mọi nguồn lực, kinh phí từ các dự án nhằm hỗ trợ người dân từ con giống, tư vấn và hướng dẫn khoa học kỹ thuật, rộng hơn là tư vấn vay vốn, hỗ trợ lãi suất... giúp các hộ có điều kiện đầu tư và hình thành các mô hình sản xuất, gắn với các cơ sở chế biến và kết nối doanh nghiệp giúp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Bình luận (0)