Phá keo trồng sim
Chuyện cây sim tại Quảng Bình bắt đầu từ anh Phan Thanh Nhàn, một nông dân ở xã Quảng Tiến (H.Quảng Trạch). Như bao người khác ở vùng này, gia đình anh Nhàn chủ yếu dựa vào rừng keo, tràm để bán làm dăm gỗ. Có rừng là có thu nhập dù thời gian để cho thu hoạch khá lâu, chừng 5 - 7 năm.
Trong thời gian làm việc ở miền Nam, khi biết có đơn vị thu mua quả sim để chế biến rượu, dược liệu với số lượng rất lớn, anh Nhàn nghĩ ngay đến những quả đồi đầy sim dại ở quê nhà. Không riêng Quảng Tiến mà nhiều gò đồi khác tại Quảng Bình đều bạt ngàn sim, nhiều người đã phải vất vả chặt bỏ để lấy mặt bằng trồng keo, tràm... Trở về quê, thoạt đầu anh đi hái sim, rồi thu mua với số lượng lớn lên đến hàng trăm tấn mỗi vụ để chuyển vào nam bán.
Thế nhưng, quả sim ít dần do diện tích ngày càng bị thu hẹp (do ưu tiên trồng rừng lấy gỗ), nên đến năm 2015 anh Nhàn có một quyết định "không giống ai": phá 2 ha rừng keo để bứng cây sim dại về trồng. Tổng cộng, anh trồng được khoảng 20.000 gốc sim.
tin liên quan
Bí quyết làm giàu: Nuôi chồn hương và chim côngVới niềm đam mê con vật lạ, một người đàn ông ở Quảng Nam đã thành công với mô hình nuôi chồn hương và chim công kết hợp, thu về hơn 200 triệu đồng/năm.
Cách làm của anh Nhàn đã mở ra hướng đi mới cho các hộ nghèo tại Quảng Bình, "kích hoạt" ý tưởng thoát nghèo nhờ cây sim. Đầu tháng 3.2017, bản hợp đồng giữa Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Quảng Bình với Ban Quản lý dự án phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo Quảng Bình (SRDP) về thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị sim tại các xã có tiềm năng được ký kết. Đây là chương trình tạo sinh kế, nâng cao thu nhập bền vững cho các hộ nghèo ở nông thôn thông qua việc khoanh nuôi, cải tạo, trồng dặm, trồng mới và thu hái, sơ chế sim rồi bán cho doanh nghiệp liên kết tiêu thụ.
Kể từ đó, nhiều đoàn cán bộ bủa về các xã để khảo sát, tổ chức thực hiện. Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật đã làm việc với Phòng Nông nghiệp huyện, chính quyền xã và cán bộ đầu mối. Kết quả, có 6 xã ở 4 huyện (Lệ Thủy, Bố Trạch, Tuyên Hóa và Quảng Trạch) tham gia dự án chuỗi giá trị sim; 11 tổ hợp tác (THT) được thành lập. Ở đây, nhiều xã có diện tích sim tương đối lớn, từ 2 - 3 ha, cá biệt có vùng từ 30 - 50 ha. Tại xã khó khăn Quảng Hợp (H.Quảng Trạch), cây sim tự nhiên mọc nhiều, ước khoảng 50 ha, chủ yếu trên những quả đồi sát chân đèo Ngang.
Dần dà, THT Hợp Phú có 20 hộ trồng 5 ha theo phương án khoanh nuôi, bảo vệ và trồng dặm trên diện tích đất đã có cây sim. THT Trạng Cau (xã Văn Thủy, H.Lệ Thủy) dự kiến trồng mới khoảng 3 - 5 ha, trong khi vài nơi khác sẵn sàng chuyển đổi để trồng sim. Tại xã Thái Thủy (H.Lệ Thủy), có 3 THT gồm 45 hộ đăng ký trồng mới 4,5 ha/THT... Chuyện mở rộng diện tích triển khai song song với chương trình tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, sơ chế và bảo quản quả sim. Ngày 28.6.2017, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Quảng Bình mở hội nghị ký kết hợp đồng nguyên tắc liên kết, hợp tác, phát triển và tiêu thụ sản phẩm quả sim giữa các THT với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm ở Phú Quốc, Kiên Giang. Anh Phan Thanh Nhàn, người "kích hoạt" sim ở Quảng Bình, được ủy quyền đại diện ký kết với các đối tác trong thời gian 5 năm.
Ông Hoàng Quang Luyến, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Quảng Bình, cho hay hiện việc khoanh nuôi, thu hoạch sim tự nhiên ở xã Quảng Hợp đang đạt kết quả tốt. Bình quân một cây sim cho khoảng 3 kg quả/vụ, giá mua sỉ hiện tại 9.000 đồng/kg. Việc chế biến, sử dụng quả sim đơn giản và hiệu quả cũng đã tạo ra một "phong trào" tìm mua sim tại Quảng Bình, khiến sim có quả đẹp được bán với giá từ 20.000 - 25.000 đồng/kg và rất hút hàng. Sim đang tạo ra một nguồn thu đáng kể cho người dân nghèo.
tin liên quan
Làm giàu nhờ bông súngBông súng dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, thu nhập ổn định và cao hơn rất nhiều lần so với cây lúa, nhưng ít người nghĩ tới.
Bình luận (0)