Thoát ra từ bẫy buôn người: 'Mẹ mìn' thời nay

24/12/2019 05:41 GMT+7

Nếu ngày trước, “mẹ mìn” thường để ám chỉ những phụ nữ xa lạ chuyên bắt cóc con nít, lừa gái quê lên tỉnh để bán vào động thì “mẹ mìn” thời nay có thể là nam lẫn nữ, là họ hàng cật ruột, người yêu, bạn bè...

“Em không ngờ!”, những học sinh là nạn nhân của kẻ buôn người mà chúng tôi tiếp xúc đều thốt ra câu ấy. Không ngờ giông bão lại ập xuống đời mình quá sớm, trần trụi và khốc liệt. Không ngờ những người thân, bạn học từng tin cậy lại trở mặt, bán mình như một món hàng...

“Sinh nhật” trên đồi chuối

Ngay trong tuần đầu năm học 2016 - 2017, cô nữ sinh lớp 9 N.T.M (ngụ Lào Cai) nhận tin nhắn của người bạn học tên Quang rủ đi sinh nhật. Cô bé 14 tuổi vô tư đồng ý và không ngờ mình trở thành miếng mồi ngon của kẻ buôn người.
M. rùng mình nhớ lại: Ăn tối ở nhà xong, M. trốn gia đình đi với Quang. Dọc đường, Quang rủ thêm hai người nam. Cả nhóm chạy xe máy theo hướng lên H.Mường Khương. Bất chợt, Quang rẽ vào đồi chuối. M. chột dạ hỏi: “Sinh nhật gì mà trên đồi chuối?”. Quang tỉnh bơ: “Thằng đấy làm trên đồi chuối. Nó tổ chức sinh nhật chỗ này”. Rồi Quang bảo M. xuống để quay đầu xe. Bỗng M. thấy 4 - 5 thanh niên từ mấy bụi chuối vọt ra, cầm bao tải. M. hét lên: “Anh Quang ơi!”, nhưng Quang rồ ga mất hút. Mấy người kia gí dao vào cổ M., đe dọa: “Mày phải đi theo bọn tao, không đi tao chém chết!”. M. khóc thì bị chúng đánh.
Lôi M. qua con suối sâu, hai tên khống chế M. đưa lên xe máy. Chạy một quãng khá xa, chúng bán M. cho người đàn ông Trung Quốc lái ô tô đến đón. Sáng hôm sau, một cặp vợ chồng người Trung Quốc đi cùng phiên dịch viên người Việt Nam đến mua M. rồi đưa lên ô tô tiếp tục di chuyển. Người phiên dịch trấn an M. sang đây không bị sao cả, chỉ có mỗi việc là... lấy chồng thôi.
“Họ đưa em vào nhà nghỉ để người ta đến xem mặt. Một người già và một người 31 tuổi rất thích em, nhưng em không chịu. Họ bảo em phải chọn một người, nếu không sẽ đưa em đến nơi xa hơn, mất khoảng 4 - 5 ngày đường. Em sợ càng đi xa càng khó tìm đường về, nên đành chấp nhận lấy ông 31 tuổi”, M. bộc bạch.
Thoát ra từ bẫy buôn người: 'Mẹ mìn' thời nay1

Giây phút trùng phùng của những nạn nhân với gia đình

Ảnh: Hoàng Thanh

Hóa ra, đó cũng là chiêu thức để “bán hàng nhanh” của nhóm buôn người. Bởi thực tế, M. phải trải qua gần một tuần đi xe và tàu biển mới tới nhà chồng. Người chồng cho M. biết đã bỏ ra hơn 250 triệu đồng Việt Nam để mua M. Anh ta khuyên M. nên ngoan ngoãn, khi nào sinh con cho anh ta thì có thể được về Việt Nam thăm gia đình.
Gần một năm sống ở nhà chồng, M. luôn nung nấu ý định bỏ trốn. Mấy lần bị bệnh phải đi tiêm thuốc, M. âm thầm quan sát vị trí đồn cảnh sát địa phương. Một buổi sáng tháng 8.2017, M. giả vờ đi chợ như thường lệ nhưng chạy vào đồn công an. Gia đình bên chồng M. xông tới, chửi bới và hăm dọa giết cô dâu. May thay, M. đã được giải cứu và đưa về Việt Nam. Hiện nay, M. đang theo học THPT tại TP.Lào Cai.

Sập bẫy... đi chợ

Nhiều thiếu nữ ở một số tỉnh miền núi phía bắc đã mắc bẫy, trở thành nạn nhân sau khi bị kẻ buôn người giả vờ làm quen trên mạng xã hội như Facebook, Zalo... sau đó hẹn gặp nhau tại các chợ phiên.
L.T.G - cô gái người H’Mông sống tại vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), tự giới thiệu: “Em sinh 2K2 ạ!”. Sau một chút... đứng hình, tôi nhận ra đây là “ngôn ngữ thời hiện đại”: 2K2 là 2002, có nghĩa năm nay G. 17 tuổi.
Thoát ra từ bẫy buôn người: 'Mẹ mìn' thời nay2

T.C (trái) nức nở: “Giờ em chỉ mong xây mộ cho bố…”

Ảnh: Như Lịch

G. cho biết cách đây hai năm, khi đang học lớp 10, G. có quen qua Facebook một bạn nam lớp 11 cùng trường. Ngày 6.2.2017, người bạn đó rủ G. đi chợ Cốc Lếu ở TP.Lào Cai. Chưa từng biết khu chợ này, nên G. háo hức nhận lời.
Sau khi dạo chợ, người bạn nói đưa G. về bằng đường tắt. G. hoảng sợ khi thấy càng đi càng vào sâu trong đồi vắng. G. kể: “Lúc ấy tầm 7 giờ tối, nó giao em cho hai người đàn ông lạ. Em van xin nó đừng bán em, muốn bao nhiêu tiền về nhà bố mẹ em sẽ trả. Nhưng nó lạnh lùng bỏ đi...”.
Khi đã vào Trung Quốc, nhóm người kia tiếp tục vận chuyển G. 5 ngày nữa trước khi đến Côn Minh. Tại đó, một thanh niên Việt Nam trong đường dây chờ sẵn tiếp nhận G. Nghe G. khóc và kể lể sự tình, anh ta thắc mắc: “Con bé này không muốn đi, sao đưa nó qua đây?”. Mấy người kia nói: “Thôi lỡ rồi, bán nó đi, lấy 10.000 nhân dân tệ”. Bất ngờ, thanh niên người Việt Nam nói trên bán xe chuộc G. Anh ta tiết lộ quê mình ở Điện Biên, từng là sinh viên và có đứa em gái cũng rơi vào hoàn cảnh bị lừa bán như G.
“Anh ấy trách em có ăn học, hiểu biết sao để người ta lừa bán thế này rồi dặn về nhà đừng quá tin ai, kể cả họ hàng, bạn thân”, cô gái H’Mông này chia sẻ.
Sau khi trở về Việt Nam, G. đã tố giác bạn học lừa bán mình và người đó hiện phải trả giá bằng những năm tháng tù tội. (còn tiếp)
Mong ước xây mộ cho bố
Đầu tháng 11, tôi gặp T.C (H.Si Ma Cai, Lào Cai) tại một cơ sở xã hội tỉnh Lào Cai khi cô vừa được giải cứu trở về sau 3 năm bị lừa bán sang Trung Quốc.
T.C kể: “Năm 2016 lúc 15 tuổi, em đang chăn trâu thì một anh mới quen gọi điện tán tỉnh. Anh nói chưa gặp em, nhưng nghe giọng là biết xinh gái rồi. Anh còn khen em đáng yêu, nếu lấy nhau thì cái gì anh cũng chiều hết! Anh rủ đi chợ Lùng Phình rồi lừa bán em”. Tại Trung Quốc, T.C bị bán 4 lần qua các nhóm buôn người trước khi bị ép làm vợ một anh chăn dê. Sau 3 năm sống bên đó, T.C học tiếng Trung và cuối cùng đã gọi điện cho công an Trung Quốc nhờ giải cứu. T.C bật khóc: “Em đi khoảng hơn một năm thì bố mất vì buồn, bệnh. Mong ước lớn nhất bây giờ của em là xây mộ cho bố...”.
Thủ đoạn buôn người và sự thật sau lời hứa hẹn
Theo tài liệu truyền thông phòng chống buôn bán người của Tổ chức Pacific Links Foundation (Vòng tay Thái Bình, tổ chức phi chính phủ của Mỹ chuyên về giáo dục và phòng chống buôn bán người), kẻ buôn người có thể là bất kỳ ai: phụ nữ hoặc nam giới, bạn bè, người yêu, người quen, người thân, hàng xóm... Những thủ đoạn kẻ buôn người sử dụng: rủ đi làm ăn xa, buôn bán gần biên giới; hứa hẹn việc nhẹ lương cao; rủ đi xuất khẩu lao động; giả vờ yêu để lừa bán qua biên giới; môi giới hôn nhân với người nước ngoài; nhận con nuôi; rủ nhau đi chơi, đi mua sắm, bắt cóc, đánh thuốc mê...
Sự thật sau lời hứa hẹn: lấy chồng già, sức khỏe yếu, nghèo, ở vùng sâu, vùng xa; bị ép phục vụ tình dục cho nhiều người trong gia đình; bị bán làm gái mại dâm, làm nô lệ tình dục; bị ép làm việc không lương, bị bóc lột sức lao động, bị hành hạ, đánh đập; sức khỏe suy giảm, có thai ngoài ý muốn, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS; bị lấy nội tạng hoặc thành vật thí nghiệm trong các chương trình vô nhân đạo; bị truy đuổi và phạt vì cư trú trái phép; phải sống trong lo âu, sợ hãi, bị cấm liên lạc với gia đình, người thân và ít có cơ hội trở về quê hương...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.