Tôi đọc dự thảo (lần 2) Thông tư Quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Trước tiên tôi hoan nghênh tinh thần cơ bản của dự thảo này, đặc biệt những điểm mới so với quy định hiện hành.
Về đối tượng áp dụng là học sinh phổ thông, hầu hết là trẻ em và tuổi vị thành niên. Vì thế các điều, khoản quy định đều có tính giáo dục xuyên suốt. Mục đích của khen thưởng là “tạo động lực” cho học sinh phát huy hơn nữa phẩm chất và năng lực. Mục đích của kỷ luật là “phòng ngừa và ngăn chặn” các hành vi không nên, không phải của học sinh.
Từ mục đích có tính giáo dục nói trên, các hình thức khen thưởng và kỷ luật đã được cân nhắc kỹ lưỡng khi áp dụng với đối tượng là học sinh phổ thông. Đặc biệt về hình thức kỷ luật đã có những điểm mới đáng lưu ý:
Vẫn có các hình thức khiển trách, cảnh cáo nhưng không “bêu” trước lớp, trước toàn trường như bấy lâu nay vẫn làm. Thời đại 4.0 này, nếu cảnh cáo trước toàn trường sẽ là cảnh cáo “trước toàn thế giới”. Học trò mắc lỗi bị áp lực quá nặng nề, khó lòng vươn lên...
Những quy định mới trong dự thảo mà Bộ GD-ĐT công bố cũng là những nội dung lẽ ra phải là quy định chính thức lâu nay, như: hình thức kỷ luật “tạm dừng học tập trên lớp” thay thế cho cụm từ “đuổi học” . Thời hạn “tạm dừng học tập trên lớp” tối đa là 2 tuần, không như hiện nay có thể "đuổi học" một học sinh ở tuổi phải đến trường, cả năm học.
Hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo hoặc tạm dừng học tập trên lớp không áp dụng đối với học sinh tiểu học, tức là không áp dụng với trẻ em.
Học sinh "có vấn đề" được tư vấn tâm lý sẽ hạn chế phải kỷ luật
Về biện pháp giáo dục học sinh phạm kỷ luật lần này yêu cầu nhà trường, giáo viên tăng tính giáo dục nhiều hơn, có những nội dung cụ thể, kiên trì hơn trong việc giúp học sinh sửa lỗi. Không được sử dụng các biện pháp “trừng phạt” học sinh về tinh thần và thể chất.
“Biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực” - một khái niệm mới rất đáng được lưu ý. Trong đó có việc “tổ chức tư vấn tâm lý cho học sinh mắc khuyết điểm” là một điểm mới.
Chúng ta thường nóng vội, dựa vào hành vi của học sinh để kết luận chủ quan về sự việc. Nếu có điều kiện tìm hiểu sâu xa hoàn cảnh và nội tâm của học trò mắc lỗi sẽ giải quyết được tận gốc vấn đề, giúp học trò sửa được lỗi lầm bền vững hơn. Kỷ luật học sinh, thậm chí đến mức "tạm dừng học tập" chỉ nên được coi giải pháp "bất đắc dĩ", hy hữu mới phải áp dụng.
Việc tư vấn tâm lý cho học sinh “có vấn đề”, không chỉ với học sinh phạm lỗi, sẽ góp phần “phòng ngừa và ngăn chặn” những lỗi lầm có thể xẩy ra trong học sinh. Tư vấn tâm lý cho học sinh là biện pháp giáo dục văn minh và hiệu quả nhất, rất đáng được đầu tư đến nơi đến chốn.
Lâu nay, ở Trường Marie Curie, dù vẫn thực hiện quy định ban hành từ năm 1988 đến nay nhưng chúng tôi chưa bao giờ áp dụng hình thức kỷ luật hà khắc, không khiển trách học sinh trước toàn trường, không buộc thôi học với bất cứ học sinh nào.
Phòng tư vấn tâm lý của nhà trường buộc phải có "hai chuyên": chuyên môn và chuyên trách. Nghĩa là việc tư vấn tâm lý phải do những người được đào tạo chính quy về khoa học tư vấn tâm lý, đảm nhiệm, không phải do một giáo viên vừa dạy học vừa kiêm nhiệm tư vấn tâm lý. Muốn làm tốt, phòng tâm lý phải có đủ tài chính để trả lương cho chuyên gia và kinh phí để hoạt động.
Bình luận (0)