|
Liệu vẫn còn những bí mật đáng để chúng ta khám phá, hay những đền đài, hầm mộ, kim tự tháp và các nền văn minh xa xưa đều đã được tìm thấy? Sau nhiều thế kỷ tìm kiếm, nhiều người đã cảm thán: “Tôi đã sinh ra quá sớm để thám hiểm vũ trụ, nhưng lại quá trễ để khám phá trái đất”. Tuy nhiên, đối với những người trong ngành khảo cổ học, nhân loại mới đặt một chân vào ngưỡng cửa hứa hẹn các khám phá vĩ đại nhất trong lịch sử loài người. Cuộc chơi và niềm phấn khích thật ra chỉ mới bắt đầu.
Khu di tích Machu Picchu hoàn toàn là một bí mật đối với thế giới bên ngoài cho đến năm 1911, trong khi vẫn còn nhiều thành phố bị mất tích chưa được tìm thấy. Mới đây, một nhà khảo cổ học ở Kurdistan tuyên bố rằng có thể đã tìm được Musarir, thành phố cổ với đền thờ từ thời đại đồ sắt tại Iraq. Thành phố như một huyền thoại này được cho là khởi nguồn của thiết kế đền đài, và phiên bản sao chép nổi tiếng nhất chính là Parthenon, đền thờ thần Athens ở Hy Lạp. Kiến trúc của Musarir đã được bắt chước ở vô số thiết kế tòa án và tòa nhà chính phủ trên toàn thế giới, bao gồm Đồi Capitol ở Mỹ. Ở bên kia tây bán cầu, có thêm 3 thành phố cổ của người Maya được khám phá trong rừng rậm ở bang Campeche của Mexico. Rõ ràng, đây là viễn cảnh vô cùng xán lạn đối với các nhà khảo cổ chuyên đào bới khắp nơi.
Trong khi đó, hàng thập niên lùng sục dưới biển cũng cung cấp kha khá kiến thức cho chúng ta về quá khứ hàng hải. Thế nhưng, vẫn tồn tại một khoảng trống không nhỏ: xác tàu chiến cổ. Không thiếu những thiên trường ca trong lịch sử hàng hải thế giới, nhưng chứng cứ thu được đến giờ có thể đếm trên đầu ngón tay. Các chuyên gia chưa định vị được bất cứ địa điểm nào từng diễn ra hải chiến, và chỉ có 3 tàu chiến từng được tìm thấy trên toàn bộ Địa Trung Hải, cho đến gần đây. Sau nhiều năm vật vã, vị trí của trận chiến đảo Egadi đã được xác định ngoài khơi Sicily, theo các tổ chức Soprintendenza del Mare và RPM Nautical Foundation công bố hồi tháng 5. Nơi này chôn 11 xác tàu chiến, cũng như vũ khí và nhu yếu phẩm tiếp tế cho lực lượng của thống tướng Hamilcar Barca. Đây là một phát hiện vô cùng quan trọng, đánh dấu thời điểm quyết định trong chiến tranh Punic lần thứ nhất, và thắng lợi này là bước tiến đầu tiên trên con đường chuyển mình thành đế quốc của quân La Mã.
Tại một nước khác trên bờ Địa Trung Hải, một ngôi làng nhỏ ở Hy Lạp đang hứa hẹn trở thành địa điểm có khám phá vĩ đại nhất của thế kỷ 21. Các chuyên gia khảo cổ đã tìm thấy một ngôi mộ cổ lớn nhất từ trước đến nay tại Amphipolis, có niên đại từ thời Alexander đại đế. Một điểm cần lưu ý là chưa tìm được mộ phần của Alexander đại đế bất chấp nhiều thế kỷ trôi qua. Do vậy, Hy Lạp đang tập trung hết sức vào dự án này, với hy vọng có thể giúp vực dậy nền kinh tế ảm đạm của nước này.
Danh sách những địa điểm mới được khám phá đang xuất hiện với tần suất dày trong vài năm nay, chẳng hạn như khu cắm trại trên sa mạc của nhân vật huyền thoại Lawrence xứ Ả Rập; các xác tàu được bảo quản tốt tại Hắc Hải và biển Baltic, xác tàu của thuyền trưởng hải tặc Kidd và Râu Đen; cánh cổng xuống địa ngục tại Thổ Nhĩ Kỳ; thêm 17 kim tự tháp mới được tìm thấy trong năm 2011…
Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, từ công nghệ hồng ngoại, tàu robot không người lái, vệ tinh, ngành khảo cổ học hứa hẹn sẽ khám phá thêm nhiều điều kỳ thú mới trong tương lai.
Phi Yến
>> Bí mật vẫn bao trùm mộ Tần Thủy Hoàng
>> Công trình bí ẩn trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng
>> Tìm thấy di hài của cha Alexander đại đế
>> Manh mối di hài Alfred đại đế
Bình luận (0)