Thời đại đa phương tiện, giáo viên có cần viết chữ đẹp?

13/11/2018 20:22 GMT+7

Có nhiều phương tiện hỗ trợ khi giảng dạy như: giáo án điện tử, máy chiếu, video..., giáo viên thời hiện đại có cần rèn chữ, học cách trình bày bảng cho đẹp không?

"Mình viết chữ không đẹp, sao dạy được học trò"
 Đó là chia sẻ của cô Nguyễn Thị Hường, cựu giáo viên Trường tiểu học Lương Công Định (Vũng Tàu). Cô có 23 năm dạy ở Cao Bằng, rồi chuyển về Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) trước khi nghỉ hưu.
Cô Hường chia sẻ: “Việc viết chữ đẹp sẽ rèn tính cẩn thận, khả năng thẩm mỹ, giúp học sinh có thói quen tốt. Rèn nét chữ là rèn nết người. Khi một học sinh cẩu thả trong chữ viết thường không kiểm soát việc mình viết đúng hay sai chính tả, viết sai gạch xóa dẫn đến bài bẩn lem nhem… Muốn học sinh nghiêm túc, cẩn thận, giáo viên phải là tấm gương cho học sinh. Mình viết chữ không đẹp, sao dạy được học trò”.
Đang có con ở độ tuổi đi học, chị Giang Thế An, nhân viên truyền thông (Q.3, TP.HCM) cũng thể hiện sự yêu thích đối với những giáo viên viết chữ đẹp.
Theo chị An: “Cho dù thời buổi hiện đại, có nhiều phương pháp giảng dạy mới, công nghệ mới… nhưng theo tôi viết chữ đẹp được xem là chuyện đương nhiên giáo viên, nhất là bậc tiểu học, cần phải có. Ở các cấp học cao hơn, có thể du di nhưng đừng viết nguệch ngoạc, xấu thì kỳ lắm. Giáo viên là tấm gương giảng dạy cả kiến thức, đạo đức… thì phải làm thật chuẩn. Hơn nữa, trẻ em bây giờ duy mỹ lắm, cái gì cũng yêu cầu đẹp, cái gì đẹp thì mới thu hút nên người thầy cô càng phải rèn luyện nhiều hơn”. 
Là giáo viên dạy hóa, Trường THCS Trần Quang Khải (Tân Phú, TP.HCM), cô Nguyễn Phương Thảo cho hay: “Dù có nhiều phương pháp giảng dạy hiện đại như giáo án điện tử, chiếu video để xem..., nhưng không thể thay thế được phương pháp truyền thống viết trên bảng khi giảng dạy. Đặc biệt là môn văn, mình dạy cảm thụ văn học, dạy chính tả, dạy viết… và một giáo viên khi đứng trên bục giảng, chữ họ viết ra càng đẹp, càng thu hút sự chú ý của học sinh vào vài giảng, tạo dấu ấn, giúp học sinh tiếp thu tốt hơn".

Cũng theo cô Thảo, dẫu có máy chiếu, giáo án điện tử nhưng viết chữ đẹp, trình bày bảng đẹp vẫn là “trách nhiệm” của giáo viên, thể hiện sự tôn trọng bài giảng, tôn trọng học sinh, những người tiếp thu bài học. Cũng có nhiều học sinh thích bài giảng của giáo viên, thần tượng giáo viên khi nhìn thấy chữ giáo viên đó đẹp, các em được truyền cảm hứng, cũng cố gắng nỗ lực viết chữ rõ ràng, mạch lạc hơn.
Quan trọng hơn là học sinh hiểu bài
 Theo cô Nguyễn Thị Thái, giáo viên Trường THPT Krông Nô (Đắk Nông): “Chữ đẹp trình bày bảng đẹp giúp tạo hưng phấn đầu tiên cho học sinh khi vào tiết học. Thời đi học sư phạm, lúc đi kiến tập, tất cả chúng tôi phải luyện viết bảng, trình bày bảng… ngày xưa thi giáo viên dạy giỏi còn có đánh giá phần trình bày nữa. Bây giờ đã bỏ quy định rồi, nhưng đã là giáo viên thì vẫn nghiêm túc, chỉn chu khi giảng dạy. Có nhiều người không có 'hoa tay', chữ không đẹp nhưng cần phải rõ ràng. Bài giảng thành công kết hợp giữa lời ghi chú trên bảng, lời giảng của giáo viên, cách dạy truyền cảm, biết khơi gợi, thu hút học sinh tham gia vào chủ đề mình đang nói. Chữ đẹp chưa thể hiện được tất cả, vì nếu hình thức đẹp nhưng cách giảng của giáo viên không hay, học sinh không hiểu bài thì tiết học cũng coi như thất bại”.
Theo thầy Mai Quyết Thắng, giảng viên Trường ĐH Hoa Sen: “Khoa tôi đang dạy có nhiều đồng nghiệp dạy về mỹ học, nghệ thuật, lúc giảng họ trang trí bảng đẹp lắm… Dù rất thích chữ đẹp, nhưng tôi không có hoa tay. Để thu hút sinh viên lắng nghe, tôi “ăn gian” bằng cách cố gắng đưa những kiến thức thực tế, các mô hình sáng tạo từ các công ty công bố vào bài giảng, rồi cùng sinh viên phân tích. Từ đó, sinh viên sẽ dễ dàng chiếm lĩnh kiến thức, có thể ứng dụng vào thực tiễn khi làm việc”.
Thầy trò thời 4.0
Sự phát triển của công nghệ đã làm thay đổi hành vi, thói quen và thậm chí cả quan hệ, tình cảm của con người. Trong dòng chảy đó, tình cảm thầy - trò, mối quan hệ rất được tôn trọng ở Việt Nam, có những đổi thay gì so với trước?
Trò có còn “kính nhi viễn chi” thầy, trong khi ngày nay thầy cô cũng “selfie” và đưa hình lên mạng xã hội tưng bừng như trò; cuộc sống, sinh hoạt của giáo viên đều được học trò “giám sát” thông qua mạng xã hội hay các công cụ hỗ trợ của công nghệ? Thầy cô còn độc quyền trao kiến thức cho trò khi hiện nay người học có biết bao phương tiện để nâng tầm hiểu biết? Việc dạy và học cũng đổi thay, không còn phụ thuộc vào bảng đen, phấn trắng vào việc cầm tay chỉ việc của thầy nữa, liệu có làm nhạt phai chút nào lòng tôn sư trọng đạo? Tình cảm thiêng liêng, sẻ chia, gắn bó của thầy trò có bị tác động nào trong khi nhiều nơi đã sẵn sàng đưa robot làm thay vị trí của giáo viên?...
Báo Thanh Niên đến với ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 năm nay, bằng những chia sẻ, ý kiến, quan điểm, ghi nhận… về mối quan hệ thầy - trò trong bối cảnh xã hội bị tác động rất lớn bởi công nghệ và hơn bao giờ hết khái niệm “công nghiệp 4.0” đã trở nên quen thuộc.
Với chủ đề Thầy trò thời 4.0, chúng tôi mong muốn nhận được ý kiến tham gia của bạn đọc. Bài viết xin quý thầy cô, bạn đọc gửi về địa chỉ [email protected]. Bài sẽ đăng trên website của Báo Thanh Niên.
Các bài viết đăng tải sẽ được chi trả nhuận bút theo quy định của báo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.