PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đã trao đổi với Thanh Niên về những đổi thay, phát triển của ngành y tế.
CỦNG CỐ Y TẾ DỰ PHÒNG, PHÁT TRIỂN Y TẾ CHUYÊN SÂU
* Theo ông thì đâu là dấu ấn y tế ấn tượng trong 50 năm qua của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung?
- PGS-TS Tăng Chí Thượng: Năm 2025 đánh dấu kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, cũng là 50 năm ngành y tế đồng hành cùng sự phát triển chung của TP.HCM và cả nước. Ngành y tế đã không ngừng phát triển với những dấu ấn nổi bật không thể không nhắc đến.
Thứ nhất, hệ thống y tế TP.HCM đã được củng cố, phát triển. Điều này là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND TP.HCM… với những nghị quyết, chính sách đặc thù giúp ngành y tế phát triển.
Đó là Nghị quyết 20 ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Nghị quyết số 31 ngày 30.12.2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Gần đây nhất là Nghị quyết 98 ngày 24.6.2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đã được toàn ngành y tế nghiên cứu, vận dụng nhằm giải quyết những "điểm nghẽn" trong thời gian qua và tạo ra động lực to lớn để phát triển.
Lãnh đạo TP.HCM quan tâm đầu tư nhiều dự án phát triển cơ sở hạ tầng và mua sắm trang thiết bị. Nhiều công trình xây dựng, cải tạo nâng cấp các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, trung tâm y tế được hoàn thành và đưa vào sử dụng hiệu quả, góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện…
Thời gian qua, nhiều kỹ thuật y tế chuyên sâu, hiện đại đã và đang được các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM chú trọng triển khai và mang lại hiệu quả tích cực. Thậm chí đã có những kỹ thuật y tế chuyên sâu sánh ngang tầm các nước có nền y học phát triển, trở thành điểm đến để học hỏi, nâng cao chuyên môn cho nhiều y bác sĩ từ các nước trong khu vực và trên thế giới.
Nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng đã đi vào cuộc sống. Phát triển các kỹ thuật chuyên sâu thuộc các chuyên ngành khác nhau như nhi khoa, sản khoa, ngoại khoa, tim mạch, ung thư… tiếp tục mang lại nhiều kết quả khả quan ngang tầm các nước trong khu vực.
Trong đề án quy hoạch TP.HCM, ngành y tế đã tham mưu lãnh đạo TP.HCM định hướng phát triển y tế chuyên sâu trên địa bàn theo 3 cụm, gồm: Cụm y tế chuyên sâu khu vực trung tâm; Cụm y tế chuyên sâu tại xã Tân Kiên (H.Bình Chánh) và Cụm y tế chuyên sâu tại TP.Thủ Đức. Gắn liền mỗi cụm chuyên sâu đều bao gồm ít nhất một trường đại học thuộc khối ngành sức khỏe chịu trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao; xây dựng bệnh viện đa khoa, chuyên khoa chất lượng cao; xây dựng mô hình viện - trường. Đây là một trong những giải pháp giúp ngành y tế TP.HCM phát triển y tế chuyên sâu, hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN.
Thứ hai, ngành y tế từng bước củng cố và phát triển toàn diện từ y tế dự phòng, y tế cơ sở đến y tế chuyên sâu. Theo đó có các nhiệm vụ không thể tách rời: nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh, củng cố y tế cơ sở và phát triển y tế cộng đồng, chuyên nghiệp hóa hoạt động cấp cứu ngoài bệnh viện.
Thứ ba, phát triển các kỹ thuật y tế chuyên sâu tiếp cận được trình độ của các nước có hệ thống y tế phát triển trên thế giới.
Từ ca mổ tách rời cặp song sinh Việt - Đức dính liền nhau ở vùng bụng - chậu mang tính lịch sử ngày 4.10.1988 cho đến ca đại phẫu tách cặp song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi ngày 15.7.2020 và mới đây là sự kiện ê kíp bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Từ Dũ thực hiện thành công 5 trường hợp thông tim bào thai vào đầu năm 2024, tất cả đã cho thấy sự tiến bộ vượt bậc về mọi mặt của ngành y tế Việt Nam nói chung và ngành y tế TP.HCM nói riêng.
Thời gian qua, nhiều kỹ thuật y tế chuyên sâu, hiện đại đã và đang được các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM chú trọng triển khai và mang lại hiệu quả tích cực. Cụ thể là ghép tạng, can thiệp tim mạch, ECMO, chấn thương chỉnh hình, sản khoa, nhi khoa, ngoại khoa, phẫu thuật nội soi robot, can thiệp bào thai... Thậm chí đã có những kỹ thuật y tế chuyên sâu sánh ngang tầm các nước có nền y học phát triển, trở thành điểm đến để học hỏi, nâng cao chuyên môn cho nhiều y bác sĩ từ các nước trong khu vực và trên thế giới.
TP.HCM hướng tới mục tiêu sớm trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe cho cả khu vực ASEAN, góp phần giữ chân người dân trong nước không phải ra nước ngoài khám chữa bệnh và thu hút đông đảo khách du lịch đến TP.HCM để được chăm sóc sức khỏe.
Thứ tư, ngành y tế phấn đấu trở thành ngành dịch vụ chất lượng cao. Ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí chất lượng trong nước, với mục tiêu vươn tầm thế giới, các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn TP.HCM đã nỗ lực đạt các chứng nhận quốc tế về chuyên môn và chất lượng bệnh viện của các tổ chức quốc tế uy tín.
THỜI ĐẠI ỨNG DỤNG AI TRONG Y TẾ
* Đây là thời đại của khoa học kỹ thuật công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI). Theo ông, vai trò của công nghệ mới và AI hiện nay trong khám chữa bệnh như thế nào?
- Sự ứng dụng của trí tuệ nhân tạo (AI) trong y tế ngày một rộng rãi hứa hẹn mang lại những điểm tích cực trong điều trị và chăm sóc sức khỏe. AI hỗ trợ bác sĩ đưa ra các quyết định lâm sàng chính xác và nhanh chóng hơn nhờ vào nguồn dữ liệu lớn; ứng dụng AI trong chẩn đoán hình ảnh (X-quang, CT-Scanner, MRI), không chỉ cải tiến đáng kể chất lượng và tốc độ chụp mà còn giúp phát hiện các dấu hiệu bệnh sớm; phân tích dữ liệu di truyền để xác định các yếu tố nguy cơ mắc bệnh; ứng dụng AI trong Robot phẫu thuật, Robot phục hồi chức năng...; AI theo dõi, phân loại điều trị bệnh nhân... Bên cạnh đó, AI còn được ứng dụng trong quản lý y tế và quản trị bệnh viện hiệu quả tốt hơn.
Mặc dù còn nhiều hạn chế, thách thức như hạ tầng công nghệ thông tin chưa hoàn thiện, thiếu hụt nguồn nhân lực chuyên môn về công nghệ thông tin trong y tế, hạn chế về cơ sở hạ tầng, thiếu thiết bị y tế hiện đại, nhưng ngành y tế TP.HCM đã bước đầu ứng dụng AI trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, từ y tế cơ sở đến y tế chuyên sâu.
TP.HCM cũng triển khai hoạt động hỗ trợ chuyên môn của các bệnh viện tuyến cuối cho 48 trạm y tế mô hình điểm nhằm nâng cao năng lực khám chữa bệnh tại trạm y tế thông qua ứng dụng "teleconsultation". Ứng dụng AI trong việc đọc kết quả phim X-quang phổi và tầm soát, phát hiện sớm ung thư cổ tử cung cho người dân tại xã đảo Thạnh An (H.Cần Giờ).
Các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghiệp 4.0 vào các hoạt động khám chữa bệnh, đặc biệt là nghiên cứu, ứng dụng AI.
* Công nghệ và AI có thay thế được nhân viên y tế không, thưa ông ?
- Như đã nói, AI đang là xu hướng nổi bật trong mọi lĩnh vực toàn cầu và lĩnh vực y tế cũng không ngoại lệ. AI giúp giải quyết vấn đề khan hiếm nhân viên y tế, đặc biệt là bác sĩ ở các khu vực khó tiếp cận như nông thôn hay vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, AI không bao giờ có thể thay thế được nhân viên y tế mà chỉ là công cụ hỗ trợ, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng việc đưa ra các chẩn đoán, kế hoạch điều trị chính xác hơn và hiệu quả hơn cho người bệnh.
AI không thể thay thế được bác sĩ mà chỉ hỗ trợ bác sĩ giảm bớt lao động thủ công thuần túy, để bác sĩ có nhiều thời gian dành cho việc chẩn đoán và điều trị chuyên sâu. AI không thể thay thế người điều dưỡng thực hiện những kỹ thuật chăm sóc người bệnh như cho ăn, giúp người bệnh ngủ ngon, giúp người bệnh không bị ho, giúp họ thoải mái trong các hoạt động sinh hoạt trong bệnh viện...
Điều quan trọng là bản thân nhân viên y tế phải luôn trau dồi kiến thức, biết ứng dụng công nghệ và AI trong điều trị cho bệnh nhân ngày càng tốt hơn. Để phát huy tối đa hiệu quả của công nghệ, cần kết hợp hài hòa giữa con người và máy móc. Nhân viên y tế cần được đào tạo để sử dụng thành thạo các công cụ công nghệ, đồng thời nâng cao kiến thức chuyên môn để có thể làm việc hiệu quả cùng với AI.
TP.HCM cũng xác định một trong những giải pháp quan trọng không thể thiếu cho phát triển y tế chuyên sâu là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế. Theo đó, hiện nay, ngành y tế TP.HCM đang xây dựng Đề án "Hỗ trợ, phát triển tài năng trẻ và lãnh đạo tương lai trong lĩnh vực y tế của TP.HCM giai đoạn từ nay đến 2035 và những năm tiếp theo".
Bên cạnh đó, ngành y tế còn triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao như hình thành hệ sinh thái đào tạo y khoa giữa các trường đào tạo khối ngành sức khỏe, giữa bệnh viện - trường đào tạo y khoa, chú trọng phát triển thương hiệu đào tạo.
NHỮNG QUYẾT SÁCH CHO TƯƠNG LAI
* Ngành y tế TP.HCM và Việt Nam đã, đang và cần làm gì về khoa học công nghệ, đào tạo, nghiên cứu, chuyển đổi số... để hội nhập quốc tế?
- Trong bối cảnh cách mạng công nghệ số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, việc áp dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực y tế không chỉ là xu hướng mà rất cần thiết để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, tăng cường tiện ích và tiếp cận dịch vụ y tế, giảm chi phí y tế.
Trong thời gian tới, ngành y tế TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện các đề án, kế hoạch phát triển hệ thống y tế, với mục tiêu sớm trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN. Trong đó tập trung các nhóm hoạt động như: Xác định khoảng cách cần rút ngắn về phát triển các kỹ thuật chuyên sâu của các bệnh viện so với các bệnh viện hàng đầu trong khu vực ASEAN; tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo và tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật chuyên khoa, phân công phát triển các kỹ thuật y tế chuyên sâu tránh trùng lắp; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo về ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến trong lĩnh vực y tế (AI, Robot, in 3D…).
Ngành y tế xây dựng nền y học chính xác, đẩy mạnh phát triển điều trị đúng phương pháp cho đúng người bệnh tại đúng thời điểm với đúng liều lượng.
Hình thành các trung tâm nghiên cứu và phát triển tại các bệnh viện, thúc đẩy các công trình nghiên cứu những phương pháp điều trị mới. Xây dựng hệ sinh thái nghiên cứu khoa học gắn liền với đổi mới sáng tạo của ngành y tế. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, ưu tiên các chương trình thử nghiệm lâm sàng trong điều trị các bệnh lý phức tạp tại các bệnh viện, các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng, công tác chuyển đổi số của ngành y tế...
Để triển khai thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ, trong đó có AI vào lĩnh vực y tế, TP.HCM cần thực hiện một số giải pháp. Cụ thể là hoàn thiện khung pháp lý và chính sách; tăng cường đầu tư vào hệ thống y tế số, nâng cao năng lực nguồn nhân lực y tế. Mặt khác, tăng cường nhận thức của người dân về chuyển đổi số y tế, phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin trong việc phòng và điều trị bệnh, cùng với việc tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y tế số.
Việc thực hiện những giải pháp này không chỉ giúp TP.HCM nâng cao chất lượng dịch vụ y tế mà còn góp phần vào việc phát triển bền vững của ngành y tế trong thời kỳ cách mạng công nghệ số.
* Xin cảm ơn ông !
Bình luận (0)