Cách mạng tinh gọn bộ máy
Phát biểu tại Quốc hội (QH) hồi cuối tháng 10 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm dẫn câu chuyện: Chỉ một vấn đề là cát, đá, sỏi lòng sông mà Bộ GTVT thì bảo: khai thác cát, đá, sỏi lòng sông giúp khơi thông luồng lạch, nên việc quản lý là của chúng tôi; Bộ TN-MT lại bảo: không được, đây là tài nguyên, ai muốn khai thác phải nộp tiền cho chúng tôi; rồi Bộ NN-PTNT cũng phải quản lý vì đây là vấn đề thủy lợi… Bao nhiêu cuộc họp để bàn lên, bàn xuống nhưng hỏi ai chịu trách nhiệm chính với vấn đề này thì lại… không biết là cơ quan nào cả.
Tổng Bí thư có lẽ đã rất sốt ruột khi thốt lên: "Bộ máy mà cứ cồng kềnh, chồng chéo như thế thì làm sao chịu được? Mất bao nhiêu thời gian vào những chuyện như thế này". Theo Tổng Bí thư, trải qua 7 năm thực hiện Nghị quyết 18 năm 2017 của T.Ư Đảng khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, song kết quả không đạt như kỳ vọng. Nhận thức chưa đầy đủ, quyết tâm chưa cao, hành động chưa quyết liệt. Một số bộ, ngành còn ôm đồm nhiệm vụ của địa phương, dẫn đến tồn tại cơ chế xin - cho, dễ nảy sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực... Điều này đã dẫn đến thực trạng bộ máy cồng kềnh và chồng chéo, gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển.
Theo Tổng Bí thư, thời điểm 100 năm đất nước dưới sự lãnh đạo Đảng (2030) và 100 năm thành lập nước (2045) không còn xa. Để đạt được các mục tiêu chiến lược, không chỉ đòi hỏi những nỗ lực phi thường, những cố gắng vượt bậc, mà còn không cho phép chúng ta chậm trễ, lơi lỏng, thiếu chính xác, thiếu đồng bộ, thiếu nhịp nhàng trên từng bước đi. Muốn vậy, Tổng Bí thư nhấn mạnh, cần khẩn trương thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Tổng Bí thư coi đây là điều kiện tiên quyết, không tinh gọn, đất nước sẽ không thể phát triển.
Tại Hội nghị T.Ư Đảng khóa XIII ngày 25.11 vừa qua, T.Ư Đảng thống nhất rất cao việc thực hiện chủ trương về sắp xếp, tinh gọn bộ máy. T.Ư Đảng xác định đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và toàn hệ thống chính trị.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, Bộ Chính trị đã quyết tâm sớm hoàn thành việc tinh gọn bộ máy trước Đại hội XIV của Đảng vào đầu năm 2026. Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, tất cả các cấp ủy, bộ, ban, ngành, trước hết là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cần gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng". T.Ư không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở. Quyết tâm hoàn thành việc tổng kết Nghị quyết 18 và báo cáo T.Ư về phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong quý 1/2025.
Kéo dài sẽ lãng phí cơ hội
Trong 40 năm đổi mới vừa qua, bộ máy hệ thống chính trị nhiều lần sắp xếp. Đã có thời kỳ Chính phủ có tới gần 40 bộ, ngành, đầu mối. Cho tới nhiệm kỳ 2007 - 2011, bộ máy Chính phủ được sắp xếp còn 30 đầu mối gồm 22 bộ, cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan. Cơ cấu này được duy trì từ đó tới nay.
Nghị quyết 18 của T.Ư Đảng khóa XII đã yêu cầu nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của một số bộ, ngành, nhất là những bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trùng lặp để có giải pháp phù hợp và thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối trong nhiệm kỳ 2021 - 2026 hiện nay như: ngành giao thông - xây dựng; tài chính - kế hoạch đầu tư; lĩnh vực dân tộc - tôn giáo… Tuy nhiên, vì nhiều lý do, các phương án này không được thực hiện.
Là người chứng kiến cuộc sáp nhập nhiều bộ, ngành hồi năm 2008, ông Vũ Trọng Kim, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng các khóa VIII, IX, X, XI, nói so với thời điểm cách nay 17 năm, bây giờ là thời điểm hội tụ đầy đủ các yếu tố, điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều. "Sáp nhập để thành lập các bộ, ngành theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực là hướng đi chính xác", ông Kim nhìn nhận và cho rằng, nếu cứ "dùng dằng" để tình trạng chồng chéo, "cắt khúc", suốt ngày phải đi xin ý kiến như hiện nay kéo dài, sẽ là lãng phí cơ hội.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục QH Tạ Văn Hạ cũng nói đây là thời điểm chín muồi cho cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị mà T.Ư Đảng xác định, bởi đây là thời điểm chúng ta đã hội tụ cả lý luận và thực tiễn. Thực tiễn về sự cồng kềnh, chồng chéo của bộ máy "cứ ngày một phình ra" cả về tổ chức lẫn con người, ai cũng thấy. Bên cạnh đó, là thực tiễn về sự phát triển mạnh mẽ về công nghệ thông tin trong quản lý xã hội mà chúng ta đã chứng kiến trong đại dịch Covid-19 vừa qua.
Cùng quan điểm, TS Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính VN, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, khẳng định chủ trương thực hiện tinh gọn bộ máy lần này là "rất đúng thời điểm" khi chúng ta đang chuyển từ quản lý nhà nước sang quản trị quốc gia. "Để phát huy tổng hợp các nguồn lực tập trung cho phát triển đất nước, việc tinh gọn tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị lúc này là quá cần thiết", TS Tuấn nêu. Ông cũng phân tích, cách mạng công nghiệp 4.0 với việc ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ và sự phát triển của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo… sẽ tạo điều kiện để nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan, tổ chức và hoạt động công vụ. "Việc tinh gọn tổ chức bộ máy không làm lúc này thì làm lúc nào nữa để hiện đại hóa và nâng cao tính chuyên nghiệp của chế độ công vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan, tổ chức trong phục vụ nhân dân, phát triển đất nước", TS Trần Anh Tuấn nêu quan điểm.
Ông Tuấn cũng cho rằng, việc khẩn trương thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy trước Đại hội XIV của Đảng là cần thiết. Nếu để sau Đại hội XIV mới bắt đầu triển khai việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy có thể bị kéo dài. Quan trọng hơn, nếu thực hiện nhanh, gọn, khoa học và hiệu quả, sẽ phục vụ tốt cho đại hội đảng các cấp trong năm 2025 và Đại hội XIV của Đảng vào đầu năm 2026.
Cách mạng phải triệt để
Để thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy thành công, nhiều chuyên gia, đại biểu QH cho rằng yếu tố cốt lõi là sự quyết tâm và quyết liệt. Ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục QH, cho rằng sự quyết tâm và quyết liệt này phải từ cấp cao nhất. Khi lãnh đạo dám đối diện thách thức, không ngại thay đổi, đó sẽ là động lực lớn nhất để thúc đẩy cải cách.
Cùng quan điểm, ông Vũ Trọng Kim cho rằng đáng lẽ cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy phải được làm sớm hơn. "Bây giờ tới lúc phải quyết liệt rồi. Dân chủ nhưng cũng phải có tập trung, tức là phải có sự quyết liệt trên cơ sở nhận thức đầy đủ các quy luật khách quan", ông Kim nói.
Còn theo TS Trần Anh Tuấn, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đạt hiệu quả, thì phải làm đến cùng, phải thực sự là cuộc cách mạng triệt để. "Cuộc cách mạng này được tiến hành trong cả hệ thống chính trị, được thực hiện tổng thể, toàn diện và đồng bộ mới bảo đảm được sự thành công. Và việc tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị sẽ thành công hơn gấp bội nếu chúng ta đồng thời thực hiện cả việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh. Đó là cách mạng", ông Tuấn nhìn nhận.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho rằng tinh gọn bộ máy phải bảo đảm tính khoa học. "Phải làm sao để lần tinh gọn bộ máy này phục vụ cho cả một giai đoạn dài của kỷ nguyên đất nước vươn mình phát triển và hưng thịnh; tránh hiện tượng sau mỗi lần chuẩn bị hết nhiệm kỳ, chúng ta lại phải sửa luật Tổ chức Chính phủ, luật Tổ chức chính quyền địa phương…", ông Tuấn nêu.
TS Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, không tinh gọn bộ máy theo kiểu sáp nhập một cách cơ học mà phải căn cứ vào yêu cầu thực tiễn: yêu cầu về phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, yêu cầu hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN; yêu cầu chuyển sang quản trị quốc gia, yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số; yêu cầu phát huy vai trò tự quản của chính quyền địa phương để tái cấu trúc cơ cấu tổ chức trong hệ thống chính trị phù hợp.
"Việc tinh gọn tổ chức bộ máy phải làm ngay, không trì hoãn nhưng phải đảm bảo thấu đáo, chúng ta "vừa chạy vừa xếp hàng" nhưng không có nghĩa là thiếu thận trọng, cẩn thận. Chúng ta phải có một cái nhìn khoa học, tổng thể và đặt yêu cầu trong bối cảnh hiện nay để thiết kế cơ cấu tổ chức phù hợp", ông Tuấn khẳng định.
Phải hy sinh cá nhân vì lợi ích chung
"Khó khăn, vướng mắc lớn nhất là giải quyết về con người", ông Vũ Trọng Kim đánh giá về những rào cản khi triển khai việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Yếu tố "con người" mà ông Vũ Trọng Kim nói đến chính là số cán bộ sẽ dôi dư sau khi sắp xếp, đặc biệt là các vị trí lãnh đạo, quản lý tại các đơn vị thuộc diện sắp xếp.
Đặt lợi ích của nhân dân, đất nước lên cao nhất
Theo TS Trần Anh Tuấn, lần tinh gọn bộ máy này, như ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, thực sự là một cuộc cách mạng. Mà muốn cách mạng thành công thì không tránh khỏi có những hy sinh nhất định, đó là sự hy sinh quyền lợi cá nhân để mang lại lợi ích to lớn cho đất nước, cho dân tộc.
Dẫu vậy, không phải bất cứ ai cũng sẵn sàng tâm lý như kỳ vọng của ông Tuấn, bởi sắp xếp đồng nghĩa đụng chạm đến "ghế", đến quyền lợi. Ông cho rằng "cái khó nhất" là đổi mới tư duy, thống nhất về tư tưởng, nhận thức; là sự dũng cảm, dám vượt lên trên bản thân. "Nếu vô tư, khách quan, công minh và biết hy sinh thì sẽ làm được điều này. Còn nếu việc gì cũng chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ thì sẽ lại đi vào lối mòn nửa vời", ông nói.
Còn theo Th.S Lưu Đức Quang, giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cán bộ thuộc diện sắp xếp có tâm tư là điều dễ hiểu, tuy nhiên cần nhìn nhận rằng, để được bổ nhiệm vào vị trí đang có, cán bộ đó phải được đào tạo bài bản, có bản lĩnh chính trị, tư tưởng vững vàng. Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm để thể hiện bản lĩnh chính trị ấy, phải đặt lợi ích của nhân dân, của đất nước lên cao nhất, nên "không thể tâm tư như người bình thường".
Nhưng theo TS Trần Anh Tuấn, đi đôi với đòi hỏi về sự hy sinh cá nhân thì cũng phải có cơ chế ghi nhận sự hy sinh, để từ đó có các chính sách thỏa đáng. Điều này sẽ giúp cán bộ, công chức nhận thấy làm trong khu vực công hay tư thì đều để phát triển đất nước, đều được trân trọng như nhau.
Chính sách thỏa đáng, theo gợi ý của Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục QH Bùi Hoài Sơn, có thể là hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo lại, tạo cơ hội việc làm mới cho đội ngũ cán bộ, công chức thuộc diện tinh gọn. "Chỉ khi sự hy sinh đi kèm với công bằng, minh bạch và hỗ trợ thiết thực thì mới nhận được đồng thuận", ông Sơn khẳng định. Hoặc như đề xuất của Th.S Lưu Đức Quang, với cán bộ thuộc diện tinh gọn, Nhà nước có thể duy trì đãi ngộ với họ đến hết nhiệm kỳ bổ nhiệm, tuy không còn chức vụ nhưng vẫn được ghi nhận phần nào về thu nhập, thâm niên cũng như sự phấn đấu trong công tác.
Đưa ra khỏi nền công vụ nếu cán bộ không phù hợp
Song song với sắp xếp cán bộ dôi dư, làm thế nào để lựa chọn và giữ lại được đội ngũ cán bộ chất lượng, có thể đảm trách công việc trong bối cảnh "người ít đi, việc nhiều lên" cũng là câu hỏi cần tìm đáp án.
TS Trần Anh Tuấn cho rằng tinh gọn tổ chức bộ máy phải đi vào thực chất, thông qua việc tái cấu trúc cơ cấu tổ chức của cả hệ thống chính trị, từ T.Ư đến địa phương, trong mọi ngành, mọi lĩnh vực một cách tổng thể, toàn diện và đáp ứng yêu cầu của thời đại.
Để làm được điều này, quá trình sắp xếp, lựa chọn cán bộ đòi hỏi phải hy sinh các tình cảm riêng tư, lợi ích cá nhân, thượng tôn sự khách quan, nhằm trọng dụng những người xứng đáng, có năng lực, phẩm chất. Đồng thời, cần dũng cảm bố trí một số trường hợp vào những vị trí không như mong muốn, thậm chí đưa ra khỏi nền công vụ nếu thấy không phù hợp.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục QH Tạ Văn Hạ đề nghị xây dựng cơ chế chọn người một cách tường minh, đáp ứng thực tiễn. Các quy trình tuyển dụng, đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm… nên giao cho người sử dụng lao động chủ động. "Bây giờ nhiều lúc cán bộ, nhân viên làm không được mà không chuyển đi đâu được", ông Hạ nói và cho rằng đây là bất cập phải khắc phục cho bằng được.
Tuyến Phan - Lê Hiệp - Mai Hà
Bình luận (0)