Giá đất tăng từng ngày
Theo ghi nhận của PV trên con đường ĐT 769, đoạn giao với đường Tôn Đức Thắng kéo dài về phà Cát Lái, qua các xã Phú Thạnh, Vĩnh Thanh, Phú Đông, Đại Phước, Phú Hữu (H.Nhơn Trạch) mọc lên nhiều tấm bảng giới thiệu, ký gửi, mua bán nhà đất nền, thổ, vườn... Giá thì đa dạng, từ 80 triệu - 1 tỉ đồng/1.000 m2.
Ghé vào căn nhà trên đường ĐT 769 có đặt bảng giới thiệu nhà đất, một người đàn ông lớn tuổi chào mời: “Các chú đi mua đất vào thời điểm này là đúng bài rồi. Kinh doanh hay ở gì cũng được, đất đang sốt, mua liền tay đi chứ để vài ba hôm nữa giá lại tăng. Ai cũng biết giá đất tăng cao sau khi cầu Cát Lái xây dựng xong nên găm lại”. Tuy nhiên, theo quan sát và hỏi thăm của chúng tôi, người đến tìm mua đất ở khu vực này không nhiều.
Thực tế, tại sàn giao dịch bất động sản Đại Phước (xã Đại Phước), một điểm ký gửi nhà đất lớn ở H.Nhơn Trạch, hôm chúng tôi đến không khí hết sức vắng vẻ, không có một vị khách nào. Nữ nhân viên duy nhất ngồi ở văn phòng cho biết cơ sở có đầy đủ đất đai từ thấp đến cao trên toàn huyện và sẵn sàng giới thiệu cho khách. Theo cô nhân viên giới thiệu, đất ở những nơi này chủ yếu là đất vườn có thổ cư, hình thức bán theo công
(1 công = 1.000 m2) giá từ 250 triệu đồng trở lên. “Những nơi này còn hoang sơ nhưng trong tương lai sẽ có những tuyến đường giao thông kết nối và sẽ trở thành Q.13 của TP.HCM nếu như được sáp nhập. Còn muốn vị trí đẹp, thuận tiện thì ven đường ĐT 769 nhưng giá rất cao, phải từ 3 - 10 triệu đồng/m2”, cô này nói. Để thuyết phục khách, cô nói thêm: “Kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ đồng ý xây cầu Cát Lái thì giá tăng từng ngày”.
Tương tự, cũng trên tuyến đường ĐT 769 nhưng đi qua các xã gần dự án sây bay Long Thành gồm Lộc An, Long An, Bình Sơn (thuộc H.Long Thành), các tờ rơi ghi bán đất sân bay treo đầy hai bên đường, kín các cây cao su. Gọi vào số điện thoại của một cò đất dán trên cột điện, người này hỏi chúng tôi cần loại đất gì, diện tích bao nhiêu để tìm giúp, đồng thời không quên nhắc nhở: “Vừa rồi Phó thủ tướng quyết định trong năm 2019 là xây sân bay rồi nên giá đất hiện nay tăng khoảng 20 - 30% so với vài tháng trước, anh đồng ý thì tôi dẫn đi xem”.
Sốt ảo
Đó là nhận định chung của chính quyền và nhiều người dân địa phương am hiểu đất đai. Ông Nguyễn Duy Chương, nhà ở sát phà Cát Lái phía H.Nhơn Trạch tỏ ra ngạc nhiên khi nghe chúng tôi hỏi về cơn sốt đất thời gian gần đây. “Đất thời điểm này có sốt gì đâu, chỉ tăng nhẹ thôi. Nếu nói sốt đất là phải giống như thời điểm công bố quy hoạch thành phố mới Nhơn Trạch kìa, hồi đó cò đất mọc lên như nấm, giới đầu tư từ các nơi đổ về tấp nập. Hoạt động mua bán, giao dịch diễn ra từng ngày, từng giờ. Bây giờ không bằng một góc thời đó” - ông Chương nói. Chủ tịch UBND xã Đại Phước Hồ Văn Thắng cũng khẳng định: “Đất Nhơn Trạch không sốt, chỉ hơi nóng. Còn về giao dịch, hồi trước trung bình tôi ký khoảng 70 bộ hồ sơ giao dịch đất/tháng, gần đây thì tăng thêm khoảng 20 bộ/tháng. Chủ yếu là dân Q.2 (TP.HCM) qua mua để ở, còn mua đầu cơ thì ít lắm”.
Theo anh Hồ Văn Hùng, một nhà đầu tư bất động sản ngụ H.Long Thành: “Cứ mỗi lần dự án sân bay Long Thành được truyền thông nhắc đến nhiều hoặc Chính phủ ra một quyết định gì quan trọng có liên quan thì giá đất lại sốt. Như mới đây, các cò đất, nhà kinh doanh bất động sản đã chớp thời cơ sự kiện Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng về thị sát dự án sân bay Long Thành và có chỉ đạo trong năm 2019 phải xây dựng để làm nóng thị trường, thậm chí cò đất còn cho người đi lùng sục tìm mua nhằm tạo nên cơn sốt ảo trong dân. Còn thực tế thì không có ai mua cả”. Một cán bộ UBND xã Long Đức (H.Long Thành) cũng cho biết: “Giá đất tăng là do mấy tay cò đất nâng lên chứ không phải do nhu cầu mua nhiều, người dân có đất muốn bán thấy vậy cũng hô giá cao lên theo, tạo nên cơn sốt ảo”.
Bình luận (0)