Các chương trình đào tạo PT quảng cáo trên mạng thường chỉ từ 2 - 4 tháng. Thu nhập của một PT từ 10 triệu đồng đến vài chục triệu đồng/tháng. Với xu hướng người dân ngày càng chăm chút sức khỏe như hiện nay thì nghề PT càng “có giá”.
Vui buồn đời PT
|
PT Nguyễn Thế Khánh (33 tuổi, quê H.Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cho biết một PT giỏi phải trang bị đủ kiến thức để giải đáp mọi thắc mắc của khách hàng. Bằng “nghiệp vụ” có được họ buộc phải thuyết phục khách hàng sử dụng gói tập.
Mỗi ngày được giao vài chục số điện thoại của khách hàng để tư vấn, Khánh hầu như không có thời gian để ăn, ngủ. Áp lực từ việc kiếm khách ký hợp đồng khiến anh luôn trong tình trạng thấp thỏm. “Gọi tới, họ đâu muốn tiếp, nhưng mình phải tỏ ra thật thân thiết như người quen từ kiếp trước. Hỏi họ từ việc ăn tới việc ngủ, thậm chí tư vấn cả việc đi vệ sinh, đi tắm... Tuy nhiên, người lắng nghe thì ít mà người từ chối thì nhiều. Đôi khi bỏ tiền mua card điện thoại cả 100.000 - 200.000 đồng nhưng hết tiền vẫn không được kết quả gì”, anh kể.
Cạnh đó, chiều lòng khách hàng là một yếu tố không thể thiếu của dân PT. Trẻ trung, body sáu múi, Trần Công Thiện (quê Bình Định) luôn được các khách nữ ưu ái chọn. Ngoài việc tư vấn các bài tập cho khách hàng trong giờ làm, Thiện còn phải thường xuyên tương tác bằng điện thoại với khách. “Có những ngày quá nửa đêm mà khách vẫn gọi nhờ tư vấn. Không nghe máy thì sợ khách phật ý mà nghe máy thì vợ để ý. Nhiều lần như vậy vợ giận và ra tối hậu thư nếu tiếp tục làm việc đó thì... ly hôn”.
|
Dù PT chân chính vẫn có thể sống tốt bằng nghề nhưng vẫn có những PT chọn kiếm tiền bằng cách khác ngoài chuyên môn. Cậu thanh niên 19 tuổi Nguyễn Minh Quân (quê Phú Yên) chỉ sau một năm vào TP.HCM làm PT đã lột xác hẳn từ áo quần, điện thoại, xe cộ đều hàng hiệu, đắt tiền. Cậu còn dự tính mua chung cư để năm tới đưa mẹ vào.
Quân chia sẻ: “Lương của em cộng thêm tiền phần trăm làm hợp đồng cho khách cũng chỉ đủ cho một đứa thanh niên tỉnh lẻ sinh tồn. Tiền dư được là do “làm ngoài giờ” với khách”. Nhiều anh rủ em đi chơi, đi bar sau giờ tập, vì chiều khách nên em nhận lời. Mỗi lần đi như vậy khách thường cho em một đến vài triệu”. Quân cho biết thêm, những phụ nữ chán chồng, cô đơn là đối tượng dễ “tương tác” hơn. Chỉ cần hiểu tâm lý và “chiều” khách thì có tiền tiêu rủng rỉnh, nếu may mắn có thể sắm xe, mua nhà.
“Mình cần tiền còn họ không có gì ngoài tiền. Quan hệ ngoài luồng này cũng dễ chấm dứt vì hầu hết những phụ nữ này đều có chồng con nên khi cần mình có thể lấy đó làm vũ khí buộc họ chấm dứt”, Quân cho hay.
PT tại gia
Một dòng khác diễn ra khá âm thầm là gym tại gia cho những người có điều kiện, chút địa vị, ngại chốn đông người. Không chỉ các PT trong nước tham gia mà cả huấn luyện viên nước ngoài cũng nhập cuộc. Guillermo (thường gọi là Gui) - một huấn luyện viên gym tại gia người Philippines hoạt động khu vực Thảo Điền (Q.2, TP.HCM), cho biết: “Khách của tôi đa phần là dân kinh doanh, nên thời gian luyện tập ở nhà không theo lịch trình mà tùy vào thời gian rảnh. Tôi chuyên dạy nhiều về yoga, các bài tập căng cơ, giảm stress nên dụng cụ luyện tập đơn giản, không phải đầu tư nhiều”.
Tập gym tại gia giá từ 400.000 - 700.000 đồng/buổi, huấn luyện viên nước ngoài như Gui giá trung bình 700.000 - 1 triệu đồng. Gui kể: “Người Việt lười tập thể thao lắm, thường sẽ hứng thú được vài ngày đầu. Tôi có một khách là phó giám đốc ngân hàng, khổ nỗi khách thường nhậu tối, về nhà đã ngà ngà say nên đến giờ tập chỉ theo được vài động tác rồi... nghỉ. Tiền vẫn trả đủ. Chuyển qua tập lúc 5 giờ sáng, có hôm đến, gọi khách mở cửa, ngồi đợi ở phòng khách mãi hết giờ tập, chẳng thấy chủ nhà đâu, hóa ra ông ta vào... ngủ lại, quên tập luôn. Tôi ráng chiều khách được một tháng thì khuyên nghỉ vì không có sự hợp tác”.
Gym tại gia, có gia chủ yêu cầu phải đạt mục đích (tăng cân, giảm cân, giãn cơ...) mới trả chi phí luyện tập. Nhưng đây cũng là những “con mồi” béo bở để các PT kiếm chác, không chỉ từ tiền thù lao mỗi buổi tập, mà từ việc chèo kéo, bán máy móc luyện tập để kiếm hoa hồng. Thị trường máy tập đủ kiểu, đủ xuất xứ, khách tập tại tư gia đều là người có điều kiện. Ban đầu PT hướng dẫn chỉ tập những bài không cần máy hỗ trợ, rồi dần dà “dụ” sắm sơ sơ bộ máy với các bài vận động tốt cho tim mạch như máy chạy bộ (treadmill), xe đạp thể dục (bike), máy tập toàn thân (elliptical), nhẹ nhàng hơn thì có bộ ghế tạ đa năng... rồi thêm các món đi kèm như bánh xe trượt bụng, bộ hít đất tay, dây nhảy, bao cát, găng đấm... đủ bộ cũng mất đến 100 - 200 triệu đồng. PT giới thiệu mua máy, khách càng đầu tư nhiều, PT càng hưởng lợi.
Dù vậy, Nguyễn Văn Sự - một PT tại gia hoạt động địa bàn Q.9 (TP.HCM) - chốt lại: “Tập ở nhà hiếm khách nào bền bỉ được, đa phần chỉ được một hai tháng đầu, rồi hầu hết đều lấy lý do này lý do nọ để bỏ tập. Máy móc đầu tư về bày - diễn là chính chứ có mấy khi tập đâu”.
Một mánh làm ăn khác của dân PT là mua, bán máy tập thanh lý. “Khách của tui máy tập về, ai bỏ tập, để máy nằm không tôi rủ thanh lý. Khách nhìn đống máy chình ình trong nhà mãi mà không tập, phát chán nên đẩy đi giá rẻ lắm. Tôi kiếm khách mới tập, nói họ đầu tư, không cần mua máy mới chi cho tốn kém, vậy là có lời. Có cái máy chạy bộ tôi bán qua đến 4 chủ. Giá cả tùy vào từng điều kiện của khách mà tính sao cho có lời thôi”, anh Sự tiết lộ.
[VIDEO] Nghề PT ngày càng “hút” giới trẻ: Thu nhập khủng, nhiều cám dỗ
|
Bình luận (0)