Hình ảnh hàng trăm người tụ tập, dừng lại quanh hiện trường vụ việc một người đàn ông nghi nhảy xuống kênh Tàu Hũ (đoạn qua địa phận Q.5, TP.HCM) vào chiều 5.10 khiến tôi liên tưởng đến nhiều vụ tai nạn thảm khốc, khi chính những người hiếu kỳ cũng có thể trở thành nạn nhân.
Điển hình như trong vụ vây bắt Tuấn “khỉ” (tên thật là Lê Quốc Tuấn, ngụ H.Củ Chi, TP.HCM) ở H.Hóc Môn, hàng trăm người tỏa đến hiện trường bất chấp lực lượng chức năng yêu cầu không được đến gần bởi Tuấn “khỉ” là đối tượng đặc biệt nguy hiểm.
Một số người có thói quen xấu, đó là khi thấy vụ tai nạn giao thông, cháy nổ thường đứng lại bên đường để theo dõi, “hóng chuyện” rồi bàn tán. Khi mạng xã hội phổ biến thì nhiều người còn lấy điện thoại ra để livestream cho cả thế giới biết sự việc đang diễn ra. Có người còn nhiệt tình đến mức trèo lên cây để có góc quay toàn cảnh và “độc lạ” phục vụ người xem liên tục trong nhiều giờ.
Hậu quả là hiện trường trở nên hỗn loạn, dòng người cứ thế kéo dài ra cản trở lực lượng chức năng chữa cháy, cứu hộ cứu nạn hoặc làm công tác chuyên môn. Khi bảo vệ dân phố, công an đề nghị giải tán thì nhiều người dùng chiêu đối phó, thậm chí còn buông lời mỉa mai, thách thức lực lượng thực thi công vụ kiểu “xem chút có mất gì đâu”, “tôi đứng bên đường thì ảnh hưởng gì”… Nhiều chuyên gia tâm lý so sánh hành vi này giống như “điếc không sợ súng”, bởi sự vô ý đó đôi khi phải trả giá bằng chính mạng sống của họ.
Những hành vi cản trở giao thông, cản trở người thi hành công vụ như thế này cần phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Nhưng trong tình cảnh rối ren sau một vụ tai nạn, cháy nổ thì lực lượng chức năng chắc hẳn sẽ ưu tiên cho công tác chuyên môn chứ không có thời gian để xử phạt cả trăm người. Do đó, để bỏ thói quen xấu này phần lớn dựa vào sự cầu thị của mỗi người và đó cũng thể hiện sự văn minh trong xã hội hiện đại.
Bình luận (0)