|
Theo chân già làng A Dót, chúng tôi đến thăm khu nghĩa địa của làng Rắk. Chúng tôi như sững sờ khi trước mắt mình hàng trăm nhà mồ được “bê tông hóa” kiên cố, vững chắc với nhiều màu sắc khác nhau. Xung quanh mỗi nhà mồ không còn những tượng gỗ đặc trưng mà thay vào đó là hình ảnh các con vật: voi, chó, chim… được xây, đúc bằng xi măng cốt thép. Phóng tầm nhìn ra xa, khó lắm chúng tôi mới tìm thấy duy nhất một nhà mồ còn hai tượng người được đẽo bằng gỗ nằm sâu trong khu nghĩa địa. Tuy nhiên hai tượng này đang bị mọt, mối ăn dần.
Rít một điếu thuốc rê, nhả ra một làn khói đặc quánh, già A Dót chậm rãi kể, trước đây ở vùng này có cả trăm người biết đẽo tượng nhà mồ, mỗi lần các gia đình làm lễ bỏ mả thì người ta đẽo hàng chục tượng. Bây giờ những người biết đẽo tượng trong làng đã già hết rồi, mắt mờ tay run không cầm nổi cái rìu để đục đẽo nữa đâu, lớp trẻ cũng không có ai mặn mà với nghề đẽo tượng.
Thấy dân làng ngày càng xa rời với tượng nhà mồ, già A Dót ăn không ngon, ngủ không yên, lúc nào trong người cũng bồn chồn, lo lắng. Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ già quyết tâm vận động dân làng học đục đẽo tượng nhà mồ.
Nghĩ là làm, trong các cuộc họp làng, già làng A Dót luôn dành thời gian nói về ý nghĩa của tượng nhà mồ và khuyên dân làng nên duy trì việc chôn tượng nhà mồ trong lễ bỏ mả. Đặc biệt già luôn động viên, khích lệ dân làng tham gia học đẽo tượng. Trước sự nhiệt tình của già làng A Dót, 4 thành viên trong làng gồm A Ngắt (40 tuổi), A Vá (45 tuổi), A Nhích (45 tuổi) và A Nhót (42 tuổi) đã đồng ý theo già học đẽo tượng nhà mồ.
|
Vì các thành viên đều đã lớn tuổi, hơn nữa họ lại bận bịu chăm lo đời sống kinh tế gia đình nên việc tập luyện rất khó khăn. Ông A Ngắt cho biết: “Giờ tập của bọn mình không cố định đâu, chủ yếu tháng giêng, tháng hai công việc rảnh rỗi bọn mình mới tập hợp lại để già làng bày đẽo tượng. Còn khi nào trong làng có người nhờ già A Dót làm tượng thì bọn mình đến vừa học, vừa phụ giúp già”.
Mài sắt nên kim, sau khoảng 2 năm kiên trì cùng già học và tập đẽo tượng nhà mồ, giờ đây 4 học trò của già A Dót đã có thể tự tin đẽo các tượng gỗ bằng rìu một cách thành thục, tinh xảo. Ông A Ngắt hào hứng: “Mới đầu chưa quen đẽo bằng rìu, mình không thể uốn các đường cong nhưng nay mình đã làm thành thục tượng gỗ rồi. Già làng khen những bức tượng mình làm có hồn, mình vui lắm! Mình sẽ động viên họ hàng và dân làng làm tượng gỗ trong lễ bỏ mả theo đúng tập quán của người Gia Rai”.
Không chỉ nhiệt tình bày cho các học trò đẽo tượng gỗ, mỗi lần nghe tin trong làng chuẩn bị có người làm lễ bỏ mả, già làng A Dót lại tìm đến tận nơi động viên gia đình đó làm tượng nhà mồ. Già A Dót bộc bạch: “Chỉ cần họ đồng ý là mình sẵn sàng tự đi tìm gỗ, tự đục đẽo chứ không lấy công cán gì đâu. Mình chỉ mong dân làng không quên đi truyền thống của dân tộc mình thôi”.
T.Hoài
Bình luận (0)