Thói hư của người trẻ, lỗi do ai ?

04/09/2014 03:00 GMT+7

Mỗi khi bàn luận một vấn đề gì đó thuộc về thói quen, đạo đức, lối sống... người ta thường quy lỗi cho sự giáo dục, nhất là giáo dục ở phạm vi nhà trường. Quy kết ấy gợi nhiều suy nghĩ...

 
Nhà trường thường quá chú trọng vào giáo dục tri thức mà ít quan tâm đến kỹ năng, ứng xử, đạo đức, văn hóa cho học sinh - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Thống kê những ý kiến phản hồi của bạn đọc qua các bài báo về diễn đàn Tính xấu của người Việt mà Báo Thanh Niên đã đăng tải, chúng tôi thấy có đến non nửa ý kiến cho rằng nguyên nhân chính là do nền giáo dục của ta chưa nghiêm, ít chú trọng đến việc giáo dục nhân cách, kỹ năng, đạo đức, ứng xử... mà quá chú trọng đến kiến thức. Những nhận xét ấy không sai nhưng chưa hẳn đã hoàn toàn đúng.

Từ một cuộc khảo sát

Chúng tôi đã làm một cuộc khảo sát trên 100 học sinh (HS) bậc THPT. Những câu hỏi đặt ra xoay quanh chủ đề lời ăn tiếng nói của HS ngày nay, đại loại như: trong giao tiếp hằng ngày bạn có nói tục, chửi thề; thói quen đó bạn ảnh hưởng từ ai; bạn có cảm thấy khó chịu khi nghe người khác nói năng, ứng xử thiếu văn hóa?... Kết quả thu hoạch được khá bất ngờ. Có đến gần một nửa số HS (cả nam lẫn nữ) được hỏi thừa nhận thường có thói quen nói tục, chửi thề, nói tiếng đệm, khó nghe. Trong số HS ấy, khoảng 20% cho rằng thói quen đó tiếp thu ở gia đình, 30% cho rằng ảnh hưởng ngoài xã hội, khoảng 15% cho rằng do giao tiếp với bạn bè ở trường lớp. Số còn lại phân vân không biết ảnh hưởng từ lúc nào, đối tượng nào... Nhiều HS cũng thừa nhận khi giao tiếp với nhau thường chỉ trỏ thầy, cô là "ổng, bả".

Cần có sự chung tay của toàn xã hội

Phân tích cuộc khảo sát nhỏ trên, ta thấy để hình thành tính cách của HS, không chỉ có sự tác động của nhà trường là đủ mà cần có sự chung tay của gia đình và xã hội. Trong đó có sự làm gương của người lớn, người đi trước.

Chúng ta cứ than vãn rằng con em chúng ta hư hỏng. Khi tìm nguyên nhân và giải pháp thì thường quá chú trọng phần ngọn, ít chịu suy xét, giải quyết tận phần gốc của vấn đề. Cha mẹ thường hay xung đột; anh chị thường xuyên mày tao... thì con cái, em út cũng bắt chước tính xấu. Nhiều phụ huynh cũng gọi giáo viên là ông này bà nọ thì chả trách gì con em mình cũng thiếu tôn trọng với giáo viên. Xã hội đầy rẫy những cái xấu, và một khi cán cân pháp luật chưa đủ phủ sức mạnh kịp thời rộng khắp thì nhiều khi những bài học đạo đức ở nhà trường cho học sinh trở nên lạc điệu, hoài nghi.

Trước đây, trong bối cảnh của nền văn hóa đóng, thần tượng của tuổi trẻ thường là cha mẹ, anh chị thành đạt, thầy cô, những người nổi tiếng gần gũi với họ. Ngày nay, trước thực tế của nền văn hóa mở, tình hình đã khác hẳn. Thật khó mà thống kê cho rõ ràng thần tượng của tuổi trẻ ngày nay là những gì, là ai. Và một khi thần tượng không phải là đối tượng làm gương thì tránh sao cho khỏi những học đòi lệch lạc của giới trẻ. Trước thực tế ấy, cần có một sự chung tay của toàn xã hội, sự góp sức của mọi gia đình trong việc hướng đến giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ, cho HS ngày nay. 

Trách nhiệm của ngành giáo dục

Kết quả của những kỳ thi HS giỏi quốc tế cho thấy về trí tuệ con em chúng ta không thua kém so với nhiều nước tiên tiến. Nhưng nếu đặt một giả thuyết về một kỳ thi đánh giá khả năng ứng xử, văn hóa giao tiếp... chắc gì chúng ta đã có giải cao. Câu nói của người xưa “tiên học lễ, hậu học văn" là trước hết phải học lễ nghĩa, sau đó mới học kiến thức. Nay cần phải hiểu thêm cho chữ "văn" ấy là văn hóa nói chung. Trong văn hóa đó có kiến thức, gồm cả đạo đức, văn hóa, ứng xử xã hội...

Những quy kết của xã hội cho trách nhiệm của ngành giáo dục buộc những người trong cuộc phải suy nghĩ. Chúng ta có quá chú trọng vào giáo dục tri thức mà ít quan tâm đến kỹ năng, ứng xử, đạo đức, văn hóa cho HS? Bao nhiêu cuộc cải cách giáo dục cũng chủ yếu xoay quanh vấn đề kiến thức: tăng cường, giảm tải... chứ ít có những tọa đàm, hội thảo về phương pháp giáo dục, định hướng đạo đức cho giới trẻ. Hệ quả trước mắt là lưng trẻ oằn xuống vì sức nặng của sách vở, đầu phải căng ra, kính phải dày thêm... mà trái tim thì co lại. Quả thật, giáo dục của ta còn nhiều bất cập.

Chẳng cần lấy ví dụ đâu xa xôi, chỉ nhìn vào việc giáo dục qua các nội quy nhà trường. Đầu năm học, trường nào cũng sinh hoạt nội quy ấy cho HS, nhưng có mấy trường dạy cho HS cách xưng hô khi giao tiếp với bè bạn? Giáo dục của chúng ta thường quá chú trọng đến tầm nhìn vĩ mô. Trong lúc đó, nhiều khi đạo đức của HS lại được xây dựng từ những nấc thang vi mô, những điều bình dị.

Trần Ngọc Tuấn
(Giáo viên Trường THPT  Lý Tự Trọng, TP.HCM)

>> Giáo dục giá trị
>> Cần gióng lên hồi chuông về giáo dục
>> Tập huấn truyền thông về sự nghiệp giáo dục

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.