Lần hội họp thứ 7 của khuôn khổ đàm phán ở Astana (Kazakhstan) về Syria không chỉ là sự tiếp diễn của tiến trình này mà còn là bước chuyển với ý nghĩa rất quan trọng về bản chất.
Thành phần tham dự chính lần này không chỉ có Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ như trước mà còn có cả sự tham dự trực tiếp của các bên quan sát viên lâu nay là hai phe chống đối nhau ở Syria, LHQ, Mỹ và Jordan.
Khác với khuôn khổ diễn đàn đa phương do LHQ chủ trì ở Geneva (Thụy Sĩ) bàn về Syria thời hậu chiến tranh và nội chiến, ở Astana thương thảo về khía cạnh quân sự và an ninh của vấn đề Syria.
Đây không phải là tất cả trong giải pháp chính trị cho vấn đề Syria nhưng lại là cái cần phải có thì mọi kết quả của khuôn khổ diễn đàn ở Geneva mới có ý nghĩa và tác dụng thực tế.
Nga sắp triển khai quân cảnh đến tuần tra những vùng đệm "giảm căng thẳng" ở Syria để cung cấp hỗ trợ an ninh và an toàn tại đó.
Lần đàm phán ở Astana vì thế là thời khắc rất quyết định đối với tương lai của tiến trình này. Kết quả đạt được cho tới nay là hình thành 4 vùng giảm căng thẳng và rất đáng khích lệ.
Nhưng rõ ràng là chỉ khi nào các phe phái chống đối lẫn nhau ở bên trong Syria và các đối tác bên ngoài đóng vai trò bảo hộ an ninh cho các phe phái bên trong ấy thật sự cùng hội cùng thuyền thì khía cạnh quân sự và an ninh của vấn đề Syria mới có thể được giải quyết dứt điểm, ổn thỏa và lâu bền.
Khi ấy, không chỉ các bên chống đối nhau ở bên trong phải nhượng bộ và thỏa hiệp với nhau mà những đối tác bên ngoài kia cũng phải chấp nhận dung hòa và cân bằng lợi ích của họ ở Syria.
Cho nên kết quả của vòng đàm phán thứ 7 ở Astana sẽ cho thấy tiến trình có thể vươn xa hơn và đạt tới tầm vóc ý nghĩa mới hay sẽ chỉ giậm chân tại chỗ.
Bình luận (0)